Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Dự án được soạn thảo nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật hiện hành, bao gồm: (1) Luật đầu tư; (2) Luật doanh nghiệp; (3) Luật đất đai; (4) Luật xây dựng; (5) Luật bảo vệ môi trường; (6) Luật phòng cháy, chữa cháy; (7) Luật quản lý thuế; (8) Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; (9) Luật quy hoạch đô thị; (10) Luật quảng cáo; (11) Luật nhà ở.
Trong thời gian qua, việc triển khai thi hành Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp đã góp phần xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư, kinh doanh không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, đơn vị đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh, trong thời gian qua, quá trình thi hành Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các luật khác có liên quan điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, có một số quy định chưa thống nhất giữa các luật. Do đó, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Mục tiêu của Chính phủ khi soạn thảo Dự án Luật sửa đổi lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân và doanh nghiệp. Dự án sẽ tiếp tục cắt giảm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý; Hoàn thiện chính sách bảo hộ và khuyến khích đầu tư; khắc phục những vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác...
Dự án Luật còn hướng đến việc đổi mới phương thức quản lý các hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời hoàn thiện cơ chế phân cấp giữa các cơ quan Trung ương và cơ quan địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Cho ý kiến đối với Dự án Luật này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tinh thần của Luật này sau khi sửa đổi, bổ sung là phải kiên quyết xóa bỏ các rào cản, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Thủ tướng cho rằng, đi đôi với việc đảm bảo không buông lỏng quản lý Nhà nước, thì cũng cần chú ý đến việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi theo quy luật kinh tế thị trường.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lắng nghe, tiếp nhận ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân bằng nhiều biện pháp sớm hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội thông qua, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, của doanh nghiệp phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Ngày mai (2/8), các thành viên Chính phủ sẽ bàn thảo về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm.