Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc. |
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu cho biết, năm 2017, tỉnh Vĩnh Long ước đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 5,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,5 triệu đồng, tăng 1,4 triệu đồng so với năm 2016; thu ngân sách đạt 6.337 tỷ đồng, vượt 32,5% kế hoạch; xuất khẩu đạt 420 triệu USD... Đến nay, tỉnh đã có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, giai đoạn 2011-2017 tỉnh đã đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho 3.150 đồng chí; đào tạo lý luận chính trị cho 7.797 đồng chí. Tỉnh ủy cũng cho chủ trương các ngành đặc thù như: Công an, Quân sự mở các lớp đại học chuyên ngành, trung cấp lý luận chính trị để đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với công tác đào tạo, Tỉnh ủy còn cử 40.462 lượt cán bộ đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng chức danh cán bộ dự nguồn và kiến thức quốc phòng-an ninh. Riêng Trường Chính trị Phạm Hùng của tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng trên 22.400 lượt học viên.
Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 40% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố có trình độ thạc sĩ trở lên; 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận chính trị cao cấp và đại học chuyên môn, trong đó 10% có trình độ thạc sĩ; 100% chức danh công chức xã, phường, thị trấn qua đào tạo chuyên ngành đạt chuẩn và phân công nhiệm vụ phù hợp với vị trí việc làm.
Tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương quan tâm chế độ chính sách phụ cấp cho đội ngũ quản lý, phục vụ chưa được hưởng phụ cấp giảng dạy. Bộ Nội vụ cần phân cấp, giao nhiệm vụ rõ ràng giữa các cơ sở đào tạo thuộc Bộ với trường chính trị cấp tỉnh, trong thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và các chương trình bồi dưỡng khác. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, rà soát, thẩm định lại chương trình, giáo trình đã biên soạn sát với tình hình và yêu cầu đổi mới của đất nước, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; giảm bớt phần lý luận, đi sâu thêm vấn đề thực tiễn và tăng cường nội dung đào tạo kỹ năng thực hành, gắn với liên hệ thực tế phù hợp với chức danh, vị trí việc làm. Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, mở rộng đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị là Bí thư đảng ủy xã, giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Trường Chính trị tỉnh, phó trưởng phòng, ban, đoàn thể và tương đương từ huyện đến tỉnh để chủ động tạo nguồn cán bộ.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, công tác đào tạo cán bộ là một quá trình liên tục, do đó tùy theo đối tượng mà tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch đào tạo phù hợp, đáp ứng cho hiện tại và tương lai. Trong công tác này, tỉnh cũng đánh giá kết quả sau đào tạo, cũng như quan tâm bố trí cán bộ phù hợp với vị trí, sở trường làm việc để phát huy hiệu quả. Đề nghị Trường Chính trị Phạm Hùng tiếp tục kiện toàn bộ máy theo Quyết định 184 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của trường chính trị tỉnh. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, trường quan tâm đổi mới, nâng cao nội dung, chương trình giảng dạy; mở rộng hình thức đi thực tế ở cơ sở của giảng viên trẻ để cập nhật kiến thức thực tiễn phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học; giảng viên cập nhật kịp thời thông tin, tình hình mới của cả nước, địa phương vào nội dung bài giảng và bám sát với từng đối tượng cụ thể.
Đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp nên cần quan tâm phát triển lĩnh vực này, trong đó chú trọng mời gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chú trọng liên kết vùng để phát triển.