Diễn giả tham gia thảo luận về chủ đề: "Các mô hình kinh doanh mới - Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS". Ảnh: TTXVN |
Tham dự phiên họp có: Đại diện các nước GMS (Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam); lãnh đạo các tổ chức quốc tế, định chế tài chính như: Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, ASEAN; đại diện các đối tác phát triển; đại diện địa phương các nước GMS; đại biểu doanh nghiệp các nước GMS và ngoài khu vực.
Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến hội nhập kinh tế GMS, thách thức và động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong GMS, quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp, chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân...
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp Giới thiệu về ứng dụng kết nối doanh nghiệp GMS, ông Sok Phiset, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS (GMS-BC), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Campuchia cho rằng, các quốc gia, doanh nghiệp trong khu vực cần có hướng sử dụng công nghệ cấp độ cao hơn nhằm cải tạo hệ thống kết nối có chất lượng giữa các quốc gia, doanh nghiệp trong khu vực.
Tại Phiên họp, chia sẻ những bài học kinh nghiệm của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bà Đỗ Thu Giang, Giám đốc điều hành Công ty GreenGen cho biết, trên nền tảng chế tạo, phân phối các lò nhựa và biogas cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn của các quốc gia GMS, sản phẩm của công ty được nghiên cứu nhằm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Hiện nay, tại ba nước: Việt Nam, Lào và Campuchia, nhiều gia đình vẫn đang sử dụng các loại bếp truyền thống, thải ra môi trường nguồn khí ô nhiễm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái- những người trực tiếp làm công việc nấu ăn trong các gia đình.
Nữ doanh nhân Đỗ Thu Giang cho biết, muốn phát triển kinh doanh mặt hàng thông qua hệ thống cộng tác viên nữ trong cộng đồng, góp phần giúp người phụ nữ cải thiện lợi ích kinh tế trong gia đình, tăng quyền năng kinh tế trong cộng đồng nói chung. Từ đó củng cố tiếng nói, xây dựng những tấm gương về sự bứt phá, nỗ lực kinh doanh - khởi nghiệp.
Thảo luận về hướng phát triển các mô hình kinh doanh mới và quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp, đại diện Doanh nghiệp Toh-Lao (Lào), bà Souphaphone Souannavong cho biết, Lào đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuẩn hóa hoạt động, tạo cơ hội hợp tác, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Mặc dù doanh nghiệp khởi nghiệp của Lào chưa thực sự trở thành những điển hình sáng trong khu vực, song bằng việc nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế và cải thiện mô hình kinh doanh, các doanh nghiệp Lào đã hoạt động khá hiệu quả, đạt được một số thành công nhất định, với nhiều tiềm năng tiếp tục mở rộng, phát triển trong tương lai.
Theo bà Souphaphone Souannavong, bên cạnh việc nghiên cứu, tạo nên những vườn ươm khởi nghiệp, doanh nghiệp Toh-Lao cũng tham gia kinh doanh về cung cấp nền tảng tin học, thực hiện các chương trình chia sẻ mục tiêu với nội dung hỗ trợ những công ty khởi nghiệp phát triển một cách mạnh mẽ, vươn tầm không chỉ trong khu vực mà cả quốc tế. Nữ đại diện doanh nghiệp Toh-Lao bày tỏ tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Lào sẽ nhanh chóng phát triển mạnh mẽ với quá trình ứng dụng số hóa và khoa học công nghệ như một sự ưu tiên thiết yếu.
Đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực GMS, Đại biểu đến từ Thái Lan cho rằng, các quốc gia trong khu vực cần cải thiện hơn nữa chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp trên cơ sở thúc đẩy các hành lang kinh tế, khu vực biên giới, đơn giản hóa thủ tục xuyên quốc gia. Các quốc gia cần sử dụng môi trường số như một nền tảng, công cụ kinh doanh. Đã đến lúc, các quốc gia cần hợp tác để cùng thúc đẩy giá trị lớn hơn giữa các nền kinh tế. Đại diện đến từ Thái Lan cho biết, những năm gần đây, Thái Lan đã thực hiện nhiều chính sách, giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích nhà đầu tư các quốc gia thuộc GMS tăng cường hợp tác.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy đầu tư, kinh doanh tại quốc gia Lào, Đại biểu của Lào nhấn mạnh, đến tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng chính sách và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Để thực hiện các chương trình phát triển của GMS, Chính phủ Lào đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điển hình là việc rà soát lại luật thúc đẩy đầu tư và trình lên Quốc hội vào cuối năm 2016 nhằm tạo chính sách đầu tư với tính cạnh tranh cao. Trong năm 2018, Chính phủ Lào triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện cơ chế kinh doanh, tạo môi trường thân thiện, thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, bằng việc giảm thiểu chi phí thời gian giao dịch và cải thiện vị trí của Lào trên diễn đàn kinh doanh.
Đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân Các đại biểu chụp ảnh chung bên lề phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Bàn về kế hoạch chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân, ông Phan Vinh Quang, Phó Giám đốc Dự án, Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) cho rằng, sự phát triển cơ sở hạ tầng nhân lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bối cảnh các quốc gia đang trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho khối doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều mô hình kinh doanh mới được phát triển, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt là trong vấn đề công nghệ. Các doanh nghiệp cần thay đổi trước khi buộc phải thay đổi. Vì thế, các doanh nghiệp trong khu vực cần tập trung vào các thế mạnh và cơ hội của mình, nhận thức được những bài học thành công, học hỏi kinh nghiệm.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng cho sự thành công của kinh tế khu vực là sự tham gia của cộng đồng kinh tế tư nhân, ông Phan Vinh Quang cho rằng, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của khối kinh tế tư nhân có thể mở rộng trong nhiều lĩnh vực như: môi trường, cơ sở hạ tầng kiến trúc, ngành năng lượng, nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp của phụ nữ, thanh niên; đẩy mạnh thương mại, tài chính xuyên biên giới… Các quốc gia trong khu vực cần đẩy mạnh hơn nữa nền kinh tế tư nhân, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào năng lực từng quốc gia. Các chiến lược hành động của Hội đồng Kinh doanh GMS cần được lồng ghép vào các chương trình nghị sự của GMS...
Đại diện công ty du lịch đến từ Campuchia cho rằng: Các doanh nghiệp tại Campuchia đang được hỗ trợ rất nhiều từ các yếu tố về công nghệ để phát triển doanh nghiệp, không chỉ ở các công ty kinh doanh lĩnh vực du lịch mà ở tất cả các ngành nghề. Bên cạnh mặt tích cực, điều này cũng gây nên một số hiệu ứng tiêu cực, điển hình như hiện tại có rất nhiều khách du lịch tự sử dụng hệ thống đăng ký trên mạng về đi lại, lưu trú để lên kế hoạch cho hành trình du lịch của mình. Hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho nguồn thu từ du lịch tăng trưởng nhanh hơn nhưng khách du lịch có thể phải đối diện với nguy cơ gặp vấn đề với những dịch vụ được bán qua mạng mà không có đăng ký với cơ quan chức năng và không được kiểm soát bởi Chính phủ. Từ đó khó quy trách nhiệm khi khách du lịch không được đảm bảo về sự an toàn.
Đại diện công ty du lịch đến từ Campuchia chia sẻ, du lịch Campuchia phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây, có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn tại các khu vực du lịch lớn trên cả nước. Campuchia cũng đang nỗ lực cải thiện hệ thống hạ tầng để tăng trưởng du lịch nhanh hơn trong những giai đoạn tiếp theo.
Trao đổi về chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân GMS giai đoạn tới, Tiến sỹ Sombat Thiratrakoolchai, Phó Chủ tịch cấp cao Công ty CP Foods PCL (Thái Lan) cho rằng, các chiến lược cần tính tới là sự kết nối - tính cạnh tranh - cộng đồng. Hiện nay, việc kết nối giữa các quốc gia khu vực được triển khai với hệ thống đường sắt, đường biển, hàng không và hệ thống thông tin liên lạc. Đây là kết quả của việc 6 quốc gia GMS đã hợp tác cũng nhau như một thể thống nhất. Công ty CP Foods PCL kinh doanh tại 6 quốc gia, do đó cần có chiến lược mang tính bao trùm, trong đó có việc kết nối với cộng đồng địa phương để sử dụng nguồn nhân công tại chỗ, góp phần tạo sinh kế cho người dân, đem lại lợi ích cho địa phương.