Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định: Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay và năm 2018 vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp, dưới sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư và bí thư cấp ủy các cấp, sự phối hợp chặt chẽ trong và ngoài ngành, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã quyết tâm đổi mới phong cách, lề lối, phương pháp, thái độ làm việc, huy động sức mạnh tổng hợp để hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng ngày càng nâng lên, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá tình hình kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng ba năm qua và năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và những năm tiếp theo của toàn ngành, tạo tiền đề để chuẩn bị tốt cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận tập trung vào đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của ngành tổ chức xây dựng Đảng từ đầu nhiệm kỳ tới nay, nhất là năm 2018. Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của mình, chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm, các vấn đề tâm đắc trong công tác tổ chức xây dựng Đảng thời gian qua; bổ sung những nội dung phương hướng, nhiệm vụ trong năm năm 2019; đề xuất những kiến nghị về công tác tổ chức xây dựng Đảng...
Nhìn lại năm 2018 và 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng đã bám sát và chấp hành nghiêm chủ trương và sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối, phong cách làm việc, hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Toàn ngành bám sát và chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp; chủ động tham mưu, tích cực triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Toàn ngành thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần thu hẹp “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái. Cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy lên một giai đoạn mới mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, tiếp tục củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngành tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau một năm thực hiện Nghị quyết, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Đây là một trong những nghị quyết của Trung ương được thực hiện đồng bộ, tích cực và sớm đi vào cuộc sống, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trong việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần giảm chi tiêu thường xuyên, tăng đầu tư phát triển. Tập trung nghiên cứu, sơ kết, tổng kết nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác tổ chức xây dựng Đảng, góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra; đồng thời làm cơ sở để tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, kết luận, quy định, quy chế, cơ chế về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Ngành chủ động chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng bảo đảm nâng cao chất lượng và cơ cấu hợp lý; quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ trong ngành. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng: xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực. Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) ngày càng thu hút đông đảo các cơ quan báo chí, người làm báo chuyên và không chuyên ở trong và ngoài nước, trở thành giải thưởng báo chí có uy tín, đã và đang tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Tại hội nghị, những hạn chế, khuyết điểm của ngành tổ chức xây dựng Đảng đã được các đại biểu phân tích, đánh giá, trong đó nêu rõ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống, đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở một số nơi còn chậm trễ, cầu toàn; ngược lại, có nơi còn nóng vội, lúng túng. Việc giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; phân cấp quản lý; giảm cấp phó; tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cắt giảm thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và việc thực hiện quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ có nơi, có lúc còn chậm...
Những hạn chế này được chỉ ra có nguyên nhân khách quan do công tác tổ chức xây dựng Đảng là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động tới tâm tư, tình cảm, lợi ích của nhiều đối tượng. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng các hạn chế nói trên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về vai trò, tầm quan trọng của công tác tổ chức xây dựng Đảng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu chưa sâu sát, chưa quyết liệt; tính tiền phong, gương mẫu chưa cao; tinh thần tự phê bình và phê bình còn hạn chế; chưa chú trọng kiểm tra, giám sát. Việc rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành một số văn bản hướng dẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; chưa hoàn thiện các cơ chế cần thiết để gắn việc phân cấp, phân quyền với ràng buộc trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu...