Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là vấn đề quản lý rượu thủ công. Theo đó, dự kiến đến ngày 1/1/2023, rượu thủ công sẽ được quản lý như rượu công nghiệp, định hướng giảm dần sản xuất, kinh doanh loại rượu này.
Điều 16 dự thảo Luật quy định các biện pháp quản lý toàn diện đối với sản xuất rượu thủ công, theo hướng giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh phải tổ chức rà soát, thống kê số lượng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công; sản lượng sản xuất, kiểm tra chất lượng rượu thủ công trong toàn tỉnh, gửi Bộ Công Thương tổng hợp và báo cáo Chính phủ trước ngày 1/1/2023; vận động người dân tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, không bán rượu không có giấy phép sản xuất ra thị trường; vận động, tuyên truyền để người dân, hộ gia đình chấm dứt sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh…
Nhấn mạnh rượu thủ công là loại rượu gắn bó với tập tục của người Việt Nam, sản lượng, mức tiêu thụ khá lớn, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án Luật cho rằng sẽ có nhiều ý kiến tranh luận nên rất cần sự đồng thuận và phải có lộ trình thực hiện. Thường trực Ủy ban nhất trí cần phải quản lý chặt chẽ rượu thủ công thông qua việc quy định biện pháp tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công; tiếp tục duy trì cấp phép sản xuất rượu để kinh doanh và định hướng giảm dần tốc độ gia tăng sản xuất, kinh doanh rượu thủ công nhưng phải đảm bảo tính khả thi, đơn giản hóa về thủ tục hành chính nhằm đạt được mục tiêu sản lượng rượu được kiểm soát, rượu có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu, làng nghề truyền thống, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa tác hại đối với sức khỏe của rượu thủ công chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua đó, Nhà nước lại thu được thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành, nghề cho người từ bỏ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.
Cho ý kiến tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lưu ý vấn đề rượu thủ công là một tồn tại lớn trong xã hội nhiều năm qua. Do đó dự án Luật cần thiết kế các quy định điều chỉnh vấn đề này một cách cụ thể, mạnh mẽ, chặt chẽ để sớm chấm dứt tình trạng rượu thủ công tràn lan, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, quy định quản lý rượu, bia thủ công, rượu chưa rõ nguồn gốc xuất xứ chưa chặt chẽ và chưa mang tính khả thi. Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải phân tích, nhiều nước trên thế giới đã cấm rượu song việc cấm này lại bị biến tướng; ví dụ như ở nước ta, rượu lậu được gọi là “quốc lủi”. Rượu lậu, rượu, bia thủ công vẫn lưu hành bằng cách này hay cách khác. Do vậy, ban soạn thảo phải đưa ra quy định mang tính khả thi hơn, ngăn chặn tình trạng nấu rượu thủ công không theo tiêu chuẩn, gây độc hại.
Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn về ẩm thực. Ẩm thực thì có lẽ không thể không có rượu, nhất là những sản phẩm mang tính đặc sản vùng, miền. “Nếu rượu thủ công được tiêu chuẩn hóa các công đoạn sản xuất, bảo đảm an toàn, thì nên chăng cần phát huy một cách bài bản? Nhiều nước trên thế giới còn có “quốc tửu”, ông Hải nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến chỉ rõ, nếu trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia cấm kinh doanh rượu thủ công không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì cũng cần rà soát, sửa đổi các đạo luật khác có quy định về vấn đề này để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đặc biệt, vấn đề quy định như thế nào để Nhà nước vừa quản lý được, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, vừa phát huy được rượu truyền thống cần được cân nhắc, xử lý thấu đáo hơn.