Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội.
Dự Đại hội có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lao động cùng 349 đại biểu đại diện cho gần 20.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Đại hội có chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, kinh tế biển là động lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh; phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước”.
Bứt phát mạnh mẽ nhóm ngành kinh tế trụ cột
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; quốc phòng - an ninh được giữ vững; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đến nay, Ninh Thuận đã hoàn thành 25/27 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Một số chỉ tiêu đạt cao như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 10,2%/năm; GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước.
Các nhóm ngành đột phá của tỉnh như năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch... bước đầu phát huy hiệu quả. Đến năm 2020, Ninh Thuận có 4 dự án thủy điện/258,8MW, 5 dự án điện gió/231 MW và 31 dự án điện mặt trời/1.797 MW hòa lưới điện thương mại, tạo ra sản lượng điện 3.500 triệu kWh, tăng 2.313 triệu kWh so với năm 2015.
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn đan xen nhưng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận vẫn phát triển ổn định. Cụ thể, ngành công nghiệp tăng 82,8%; du lịch tăng bình quân 19,7%/năm. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào tổng sản phẩm nội tỉnh đạt ,2%. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến nay còn 5,74%. Đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được thực hiện tốt hơn. Quốc phòng - an ninh được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt. Tỉnh luôn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đưa quy mô nền kinh tế đến cuối nhiệm kỳ tăng 1,9 lần so với năm 2020; đồng thời, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 1,5-2% năm; quốc phòng, an ninh tiếp tục giữ vững.
Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước. Đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả khâu đột phá về phát triển năng lượng; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; kinh tế đô thị theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được xác định. Phấn đấu đến năm 2025, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 6.400 - 6.500 tỷ đồng, tăng bình quân 12-13%/năm.
Đồng thời, Ninh Thuận tập trung triển khai đồng bộ nhóm giải pháp về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Tạo sức bật mới để trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Lương Cường đã biểu dương và chúc mừng những thành quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí Lương Cường đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, phân tích nhằm đánh giá đúng tình hình, xác định rõ nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Lương Cường yêu cầu tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng Đảng; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ; đồng thời, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, Ninh Thuận đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ và tổ chức cơ sở Đảng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tỉnh Ninh Thuận cần phải chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ chủ chốt, cán bộ là người dân tộc thiểu số; đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, Ninh Thuận tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng chí Lương Cường cho rằng, Ninh Thuận có đủ điều kiện về “thiên thời, địa lợi”; do đó, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh phải có quyết tâm chính trị cao hơn, xác định đúng những khâu đột phá và có giải pháp tích cực, chủ động, quyết liệt để đưa kinh tế tiếp tục phát triển.
Đồng chí Lương Cường đề nghị tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục bám sát quy hoạch từng ngành, lĩnh vực để có định hướng, chiến lược phát triển hiệu quả; tập trung rà soát, triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương hỗ trợ. Đồng thời, Ninh Thuận chú trọng khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh gắn với thu hút đầu tư để tập trung phát triển các nhóm ngành trụ cột như kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao...; tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tỉnh cần chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; làm tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.
Là địa bàn có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng - an ninh quốc gia, đồng chí Lương Cường lưu ý tỉnh cần gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, chủ động đấu tranh có hiệu quả với hoạt động, âm mưu “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, giải quyết bức xúc, phát sinh ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng...
Với tinh thần dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm, đồng chí Lương Cường mong muốn Đại hội sáng suốt lựa chọn bầu vào cấp ủy những đồng chí tiêu biểu về mọi mặt, có uy tín trong Đảng, nhân dân để đưa Ninh Thuận vượt qua khó khăn, thách thách; xây dựng Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước.
Theo chương trình, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra đến hết ngày 28/10.