Hơn 500 đại biểu chính thức là các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 40 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng, gần gấp đôi con số năm 2017 đã tham dự diễn đàn.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự SLD 2018 là Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 1/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có bài phát biểu dẫn đề trong phiên khai mạc. Sau đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới những tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis làm rõ vai trò và chiến lược của Mỹ đối với các vấn đề an ninh khu vực. Theo dự kiến, Bộ trưởng Mattis sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên vào sáng 2/6 với chủ đề "Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Trước đó, trên đường tới Singapore, ông Mattis đã cho biết bên cạnh việc đề cập tới vấn đề Triều Tiên, Mỹ cũng sẽ đưa ra những thông điệp cứng rắn với Trung Quốc nhằm phản đối các hành động quân sự hóa Biển Đông tại SLD.
Trong khi đó, không nằm ngoài dự đoán, việc lần đầu tiên SLD dành hẳn một phiên thảo luận toàn thể để thảo luận về tình hình Triều Tiên đã cho thấy cộng đồng quốc tế thật sự mong muốn tìm ra một giải pháp triệt để nhằm mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại phiên này sẽ có Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-Moo cùng hai người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera và Canada Harjit Singh Sajjan.
Dự kiến, Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ ba ngày 2/6 có chủ đề "Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á".
Giám đốc điều hành châu Á tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) Tim Huxley cho biết SLD 17 sẽ có 5 phiên thảo luận chính thức, bao gồm: vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; chống leo thang khủng hoảng Triều Tiên; định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực.
Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ bàn đến các vấn đề vốn đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay như các chiến lược công nghệ mới và tương lai của xung đột; tăng cường an ninh hàng hải; các quy tắc ứng xử và biện pháp xây dựng lòng tin; vấn đề an ninh và nhân đạo trong cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya tại Myanmar; cạnh tranh và hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương; ý nghĩa chiến lược phát triển năng lực quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương; quản lý cạnh tranh trong hợp tác an ninh.