Khẩn trương khắc phục bất cập trong phòng, chống dịch để sớm phục hồi KT-XH

Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn các vấn đề “nóng” thuộc lĩnh vực y tế mà đại biểu Quốc hội nêu, đang được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Xử lý triệt để hành vi vi phạm trong ngành Y tế

Liên quan đến trách nhiệm của ngành Công an trong việc cùng với ngành Y tế phòng, chống bệnh dịch và xử lý số vụ án, vụ việc có liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là các vụ xảy ra tại các bệnh viện lớn, đã được lực lượng Công an phát hiện, khởi tố và điều tra. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư "phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng". 

Trong đó, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe trong cả lĩnh vực. Điển hình, một số vụ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Tĩnh, Sở Y tế Cần Thơ, Sở Y tế Sơn La... Qua đấu tranh, hiện nay, các đối tượng đều đã thừa nhận các hành vi phạm tội. Bộ Công an sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, sơ kết luận để đưa ra truy tố các bị can trước pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: "Các vụ việc này không phải do lỗi lỗi cơ chế hoặc hệ thống. Đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật, có những vi phạm hình sự, rất đáng phải xử lý. Trước khi xử lý hình sự, đối với cơ quan điều tra, Bộ Công an đều yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm hình sự cá nhân của từng cá nhân trong từng vụ việc. Thứ hai, phải chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi rồi xử lý các đối tượng này. Ví dụ thông đồng với nhà thầu để đẩy giá máy móc, thiết bị, có ăn chia nhau, có trích phần trăm trong những việc đó. Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng và đều bị xử lý".

Qua việc sự việc này, Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu quy trình đầu tư cơ sở vật chất, công tác triển khai mua sắm trang thiết bị để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành chức năng nghiên cứu đưa một số mặt hàng, trang thiết bị y tế và nhóm mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để các doanh nghiệp cấu kết, thông đồng với các cơ quan, đơn vị để nâng giá, trục lợi. Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra, xử lý các vi phạm này.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, buôn bán trái phép thực phẩm, vật tư y tế, thiết bị xét nghiệm, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc cũng diễn biến phức tạp trong cả nước. Các đối tượng đều sử dụng nhiều hình thức tinh vi để nhập lậu như buôn bán trên mạng xã hội, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình khó đi lại để cất giấu hàng hóa. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương tập trung lực lượng, phương tiện để triển khai các biện pháp đấu tranh phòng ngừa, xử lý vi phạm những loại thuốc, trang thiết bị y tế nhập lậu, buôn bán công khai, thuốc điều trị, thậm chí có cả vaccine. Bộ Công an đã tập trung điều tra, xử lý.

Về tham gia công tác phòng, chống dịch, lực lượng Công an cũng là một trong những lực lượng tham gia tuyến đầu. Trong giai đoạn tới, Bộ Công an đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để tích cực tham gia quản lý dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt đời sống nhân dân, phục vụ cho việc cung cấp hỗ trợ an sinh xã hội thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bốn nhiệm vụ cần tập trung thực hiện

Làm rõ các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội về Trung tâm Y tế huyện trực thuộc Sở Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; tiếp theo đó, Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số. Trong đó đã khẳng định, mỗi một huyện sẽ có một Trung tâm Y tế thực hiện chức năng dự phòng, điều trị, dân số, trừ những nơi có bệnh viện đạt tiêu chuẩn bệnh viện cấp 2; phải chịu sự điều hành, chỉ đạo về chuyên môn thống nhất của ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương và sự quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nghiêm túc thực hiện theo Nghị quyết của Trung ương.

Tuy nhiên, tháng 3/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế (lúc đó) có văn bản yêu cầu các địa phương để nguyên Trung tâm Y tế huyện trực thuộc Sở. Việc này không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Vào cuối năm 2019, Phó Thủ tướng được phân công làm Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế, sau đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi tất cả UBND các tỉnh, thành phố, khẳng định, việc sắp xếp các Trung tâm Y tế huyện thuộc hoàn toàn thẩm quyền của chính quyền địa phương, thay thế tất cả các văn bản của Bộ Y tế trước đó trái với tinh thần này. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào văn bản này để thực hiện.

Nhấn mạnh “có rất nhiều điều để nói về cuộc chiến chống giặc COVID-19”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện cả nước đang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và tình hình đang khởi sắc. Cách đây 1 tháng, Việt Nam đứng cuối Bảng Chỉ số phục hồi COVID-19 của tờ Nikkei Asia Review (Nhật Bản) dành cho 121 quốc gia, nền kinh tế; đến nay, đã ở vị trí giữa bảng.

“Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại giặc COVID-19” vẫn tiếp diễn. Những ngày gần đây, số ca nhiễm vẫn tăng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Là người trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ những ngày đầu, “nằm trong vùng dịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tất cả những ý kiến của đại biểu Quốc hội về các bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch đều rất đúng. Có những vấn đề mới xuất hiện trong quá trình chống dịch, khi hệ thống y tế bị quá tải, nhưng cũng bộc lộ cả những thứ tồn tại từ trước, không chỉ trong ngành Y tế mà cả trong công tác quản lý, điều hành xã hội nói chung.

“Những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội cần được nghiêm túc tiếp thu, từng bước khắc phục chắc chắn nhưng phải rất khẩn trương. Không thể để một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa qua xảy ra nữa”, Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, không chỉ lực lượng Y tế, Công an, Quân đội mà toàn bộ các lực lượng ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh có dịch đã vô cùng vất vả, đều bị quá tải. Có những phường ở Bình Dương, có hơn 18.000 người mắc COVID-19. Hoặc những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, dù số ca nhiễm ít nhưng “cũng căng hơn dây đàn” vì không có vaccine, hệ thống y tế rất yếu, trong khi người từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở về nhiều.

Phó Thủ tướng chia sẻ, trong thời gian qua, các địa phương vẫn phải giải quyết hàng trăm, hàng nghìn bà con từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. “Nếu giải quyết thông thoáng để bà con đi, hôm sau bà con sẽ về nhiều hơn. Nhưng nếu giữ lại, người già, trẻ em gặp mưa gió thì vô cùng day dứt. Lãnh đạo các địa phương đều vô cùng day dứt, không ai yên lòng”, Phó Thủ tướng cho biết.

Để giữ vững thành quả chống dịch, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP và đang xây dựng Chiến lược tổng thể ứng phó với dịch COVID-19 trong 2 năm tới để phục hồi trong và sau COVID-19, trong đó có 4 việc cần phải tập trung thực hiện. Theo đó, chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Người đã tiêm vaccine, dù mới 1 mũi, vẫn còn lây những sẽ chậm đi, tỷ lệ bệnh nhân bị nặng rất ít. Hiện nay, Bộ Y tế đang đánh giá vấn đề này, nhưng thực tiễn, tỷ lệ người đã tiêm vaccine ở Bình Dương, Phú Thọ, bị nhiễm COVID-19 có diễn biến nặng rất thấp. 

“Điều đó cho phép, chúng ta bình tĩnh hơn trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi đã tiêm xong vaccine”, Phó Thủ tướng nêu; đồng thời cho biết, nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống, hiện nay, Việt Nam đã có đủ vaccine để tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên. Hiện, các địa phương ở phía Bắc còn thiếu 23 triệu liều và sẽ được phân bổ đủ trong tuần thứ 4 của tháng 11. Các địa phương ở miền Trung cần thêm 5 triệu liều và sẽ được phân bổ đủ trong tuần thứ 3 của tháng 11. Các tỉnh, thành phố miền Nam cần thêm 4 triệu liều, khu vực Tây Nguyên cần thêm 2,5 triệu liều sẽ phân bổ toàn bộ trong tuần này. “Trước đây phải xem xét đối tượng tiêm nào tiêm trước, tiêm sau. Đến nay, thực hiện tiêm gọn từng nơi theo hình thức cuốn chiếu và tiêm phải an toàn”, Phó Thủ tướng nói.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Thủ tướng khẳng định, dù đã tiêm đủ vaccine, nhất thiết phải thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, thực hiện 5K. “Ngay cả khi tiêm hết 100% người từ 12 tuổi mới chỉ đạt 80% dân số. Với hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt khoảng 80%, mới có khoảng 64% dân số được bảo vệ. Như vậy vẫn còn hàng triệu người có nguy cơ lây nhiễm”, Phó Thủ tướng phân tích và nêu rõ, nếu mỗi người không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang nói riêng, thông điệp 5K nói chung trong sinh hoạt, sản xuất, dịch sẽ tiếp tục lây nhiễm cho nhiều người, dẫn đến quá tải hệ thống y tế.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho biết, khi đã tiêm vaccine, hoạt động giám sát y tế phải được thực hiện thật nghiêm ngặt, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi…; đồng thời phải chủ động được nguồn cung về các công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm. Theo đó, Chính phủ đã bàn về nguyên tắc, yêu cầu Bộ Y tế trình để mua sắm tập trung sinh phẩm xét nghiệm, chủ động phân phối cho các địa phương. Khi xét nghiệm, phát hiện ca mắc, thực hiện cách ly theo phương thức mới để thực sự là trạng thái bình thường mới như các nước châu Âu đang làm.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng nêu phải chuẩn bị đủ các loại thuốc điều trị triệu chứng, kháng virus ngay từ sớm; thực hành dần điều trị tại nhà, giống như trước đây đã thí điểm cách ly tại nhà, người dân tự lấy mẫu xét nghiệm…

Từ thực tiễn phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục quán triệt, tập huấn, diễn tập năng lực chỉ huy, điều hành giữa tất cả các lực lượng phòng, chống dịch cho cán bộ quản lý cấp cơ sở, cấp huyện, nhất là trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. “Làm tốt những việc này sẽ tránh được tổn thất, kinh tế sẽ phục hồi. Một tháng tới đây là vô cùng quan trọng. Chúng ta tiêm vaccine thật nhanh, sẽ vươn lên trong nhóm rất ít các nước có độ phủ vaccine lớn nhất trên thế giới và tranh thủ được thời cơ”, Phó Thủ tướng nói.

Diệp Trương (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội đề nghị kiểm tra việc thực hiện kiểm toán tài chính bệnh viện
Chủ tịch Quốc hội đề nghị kiểm tra việc thực hiện kiểm toán tài chính bệnh viện

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 10/11, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về các giải pháp khắc phục hạn chế trong khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật; gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính cho mô hình Trung tâm Y tế huyện đa chức năng; việc chuyển giao các Bệnh viện quận, huyện và Trung tâm Y tế cho Sở Y tế quản lý dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập, nhất là khi dịch bệnh bùng phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN