Ngày 17/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung quan trọng này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
6.958.848 lượt ý kiến nhân dân
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 13 và 14. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa). Ảnh: An Đăng-TTXVN |
Sau 2 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân (từ ngày 1/2/2013 đến ngày 31/3/2013), tổng hợp báo cáo ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức và cá nhân cho thấy có 6.958.848 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 210 điều (tăng thêm 4 điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân).
Về sở hữu toàn dân đối với đất đai, Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu rõ đa số ý kiến nhân dân khẳng định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai là phù hợp với bản chất chế độ xã hội ta.
Nhà nước đại diện chủ sở hữu về đất đai
Tán thành, thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo về quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này”, các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với hướng phát triển của đất nước. Một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Nhà nước trong vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai.
Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa).Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai là “linh hồn” của dự thảo luật, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, quan điểm này cần thể hiện xuyên suốt ở các chương, điều và phải tách bạch rõ quyền, nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu cũng như quyền, trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện quyền quản lý hành chính về đất đai.
Cùng quan điểm này, đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho rằng: Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là hoàn toàn phù hợp chế độ Nhà nước ta hiện nay; bởi đất đai là công cụ cơ bản để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế đất nước và ổn định xã hội.
Đề phòng lợi dụng trong thu hồi đất
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội… Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh các dự án thực sự vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… tránh trường hợp lợi dụng quy định này để thu hồi đất. Đối với các trường hợp thu hồi đất có nhà và các tài sản khác gắn liền với đất ở thì Nhà nước cần phải trưng mua. Đại biểu cho rằng nhà ở và tài sản khác là tài sản của dân thì Nhà nước không thể thu hồi và càng không thể coi đây là tài sản bồi thường.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc là tài sản thuộc sở hữu của người dân, không phải sở hữu Nhà nước. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý khi quy định thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhân dân. Đại biểu nhấn mạnh cần bảo đảm hài hòa mục tiêu thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội với an dân. Nếu coi nhẹ vấn đề an dân thì mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội sẽ khó đạt được, gây khiếu kiện, tranh chấp, phức tạp trong xã hội.
Đánh giá việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chính là mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề xuất cần sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đại biểu đề nghị nghiên cứu áp dụng cơ chế công bằng: đất đổi đất, nhà đổi nhà; người dân không phải bỏ thêm tiền, đồng thời Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới; nâng mức hỗ trợ cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, bắt buộc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người nông dân sau khi thu hồi đất…
Để người bị thu hồi đất được tham gia ý kiến
Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) đặt vấn đề, thời gian qua, quy định về thủ tục thu hồi đất còn sơ sài, chung chung, chưa tách các trường hợp vi phạm pháp luật do quá thời hạn giao đất; chưa có quy định cụ thể về việc thông báo thời hạn thu hồi đất. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn thời điểm trước khi thu hồi đất và thời điểm ra quyết định thu hồi đất. Đại biểu cũng chỉ rõ, dự thảo cần xây dựng cơ chế để người bị thu hồi đất tham gia ý kiến vào quá trình thu hồi; xây dựng phương án bồi thường, tái định cư để tránh những khiếu nại kéo dài, vượt cấp, gây lãng phí thời gian, tiền bạc doanh nghiệp và nhân dân.
Đề cập đến những khó khăn của người bị thu hồi đất như xáo trộn nơi ở, cuộc sống, thiệt thòi về tài sản, vật chất, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị bổ sung Điều 73 của dự thảo theo hướng: “Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 74 của luật này thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, nếu không có đất hoặc nhà ở để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất của loại đất bị thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất phù hợp với thực tế ở địa phương và hỗ trợ tổn thất, thu nhập”.
Băn khoăn về Điều 12 “Những hành vi bị nghiêm cấm” trong dự thảo luật chưa đề cập nhiều đến việc chống lạm quyền của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quản lý đất đai, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị bổ sung quy định: Cấm cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý đất đai từ chối cung cấp thông tin, cung cấp sai thông tin, cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Quy hoạch sử dụng đất có tính kế thừa
Về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 37) có ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét việc kéo dài kỳ quy hoạch, kỳ kế hoạch để phù hợp với các dự án bất động sản có thời hạn sử dụng đất thông thường từ 50 năm trở lên.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng quy định về thời gian quy hoạch và thời gian giao đất còn mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực hiện. Trong thời gian giao đất, các doanh nghiệp phải di dời cơ sở sản xuất do có thay đổi quy hoạch sẽ gây khó khăn và thiệt hại, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến tâm lý doanh nghiệp lo ngại, không muốn đầu tư dài hạn.
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, kế hoạch sử dụng đất là 5 năm đã được Luật Đất đai quy định và thực hiện ổn định. Việc quy định kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là thể hiện tầm nhìn và định hướng cho tương lai. Tính chất của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là kế thừa và phát triển, có tính ổn định nên không ảnh hưởng nhiều đến các dự án sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch hiện tại. Thời gian của kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay là phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và khả năng dự báo nhu cầu sử dụng đất trong kỳ.
Quan điểm khác về Quỹ phát triển đất
Liên quan đến vấn đề thành lập Quỹ phát triển đất quy định trong dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng quy định nguồn tài chính để hình thành Quỹ phát triển đất được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, huy động từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và được sử dụng vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là chưa phù hợp vì Quỹ phát triển đất chỉ thực hiện ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn cho quỹ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) cho rằng, việc thành lập quỹ và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý là không phù hợp với quy định pháp luật, làm phân tán nguồn tài chính quốc gia, tăng bộ máy và biên chế. Mặt khác, đại biểu viện dẫn theo thống kê 35 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ phát triển đất cho thấy, do điều kiện cụ thể của địa phương nên mô hình quản lý của quỹ này còn nhiều hạn chế... Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cũng tán thành với quan điểm này cho rằng việc thành lập quỹ là không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, làm tăng bộ máy biên chế…
Tán thành nhiều nội dung cơ bản
Tổng hợp 45 ý kiến phát biểu sau một ngày thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung cơ bản trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng phát biểu nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo luật; phân tích sâu sắc những nội dung tán thành và không tán thành; đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai và giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; công việc giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau và sẽ gửi phiếu xin kiến các đại biểu để làm cơ sở cho việc chỉnh lý, soạn thảo luật, báo cáo lại Quốc hội xem xét quyết định.
TTN