Hơn 100 bài tham luận gửi về hội thảo tập trung phân tích các nội dung: Những di sản vĩ đại và đóng góp của Karl Marx đối với lịch sử nhân loại; sức sống của chủ nghĩa Marx trong thời đại ngày nay; những kinh nghiệm vận dụng chủ nghĩa Marx trong lịch sử; nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Marx tại Việt Nam trong bối cảnh mới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Karl Marx đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về thế giới; tìm ra quy luật vận động của các phương thức sản xuất và xã hội tư bản.
Lúc sinh thời, Karl Marx đã nhiều lần khẳng định học thuyết của ông không phải là hoàn thiện, bất biến, không phải là giáo điều mà chỉ là kim chỉ nam cho hành động. Nó gắn liền với sự phát triển của phong trào cách mạng, với thực tiễn vận động của lịch sử kinh tế - xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, những người cách mạng đời sau cần phải liên tục bổ sung và phát triển. Từ đó làm cho học thuyết Marx trở nên hoàn chỉnh, gắn với thực tiễn cách mạng đang vận động, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các tư tưởng, học thuyết tiến bộ trên thế giới để làm sâu sắc, sống động và hiện thực chủ nghĩa Marx.
Ý nghĩa thời đại và sức sống của chủ nghĩa Marx chính là cơ sở để chúng ta khẳng định xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã xác định khi lựa chọn con đường đổi mới là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở khoa học.
Phân tích rõ hơn, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, học thuyết của Karl Marx với ba bộ phận hợp thành (triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học) là sự kế thừa có chọn lọc toàn bộ tinh hoa tinh thần của nhân loại, là một học thuyết khoa học và cách mạng.
Một học thuyết không chỉ khám phá ra những quy luật khách quan của lịch sử mà còn chỉ ra con đường đấu tranh để tự giải phóng và xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, tạo ra những điều kiện cho cuộc sống ngày càng mang tính Người hơn. Hai thành tựu lý luận vĩ đại nhất của Karl Marx (cùng người bạn vĩ đại F. Engels) là chủ nghĩa duy vật lịch sử và chỉ ra quy luật giá trị thặng dư như quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học trong cả nước và đông đảo sinh viên tham gia. |
Khẳng định sức sống của chủ nghĩa Marx, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen chia sẻ, xét quá trình hình thành và phát triển, chủ nghĩa Marx và triết học Marx là một hệ thống mở và phát triển, không phải là nhất thành bất biến. Chúng ta có nhiều cấp độ tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Marx, trong đó cấp độ học tập và vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Marx, phương pháp biện chứng duy vật để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra là cách tiếp thu và vận dụng cao nhất để có thể đi đến những chân lý, kết luận mới trong những hoàn cảnh và điều kiện lịch sử mới.
Chính cấp độ này cho phép những người làm cách mạng tiếp tục bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx. Sức sống của chủ nghĩa Marx là ở chỗ đó. Vì vậy, do những thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, nhiều luận điểm, quan niệm, lý thuyết hay khái niệm nào đó của Karl Marx không còn phù hợp, nhưng không phải vì thế mà chủ nghĩa Marx mất đi sức sống. Bởi sức sống của chủ nghĩa Marx chính là ở bản chất cách mạng và khoa học, chứ không phải ở những nội dung cụ thể nhất định của nó.
Từ thực tiễn đất nước, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen nhấn mạnh, trải qua hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, lấy chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, chúng ta đã gặt hái được những thành quả to lớn về nhiều mặt, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội. Điều này đã chứng minh rằng, những di sản tư tưởng của Karl Marx tiếp tục được kế thừa, phát huy và nhân rộng trong điều kiện lịch sử mới, vượt qua những thách thức của lịch sử.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hữu Toàn, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định triết học Marx không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa thời đại, mang hơi thở và sức sống của thời đại, nó không chỉ trường tồn trong thế kỷ XXI này mà còn mãi trường tồn với lịch sử nhân loại.
Các giá trị bền vững trong hệ thống triết học này đã, đang và sẽ là cơ sở lý luận nền tảng, phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới bằng cách mạng. Còn những hạn chế lịch sử trong một số luận điểm, quan điểm, tư tưởng cụ thể nào đó thì tự thân tính khoa học và bản chất cách mạng của hệ thống triết học này cũng đặt ra yêu cầu phải bổ sung và phát triển mới cho phù hợp với điều kiện mới.