Không hạ thấp tiêu chuẩn trình độ của cán bộ cấp xã

Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo là tiền đề để thu hút người trẻ về các vùng khó khăn trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại Hội nghị tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Từ Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm gì cho công tác cán bộ, nhất là đối với việc thu hút cán bộ trẻ, thưa Bộ trưởng?

Tôi đánh giá trong 5 năm thực hiện Dự án, kết quả mang lại rất khả quan. Đó là sự trưởng thành của 580 trí thức trẻ bố trí về 580 xã. Đến thời điểm này bố trí công việc, sắp xếp lại sau khi dự án kết thúc đạt tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, các em đã được trưởng thành, được kết nạp Đảng trên 90%, hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và pháp luật. Các em được đưa về các xã là vừa làm, vừa học, đây là mô hình mới và kết quả mang lại đã có trên 800 chương trình, đề án, dự án của hơn 350 em đã đề xuất những chủ trương để giúp chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch về đề án kinh tế - xã hội nói chung. Tôi đánh giá rất cao là trong số này có hơn 80% dự án đã được áp dụng và có hiệu quả, nhưng cũng rất tiếc kinh phí, ngân sách của chúng ta có phần nào hạn hẹp, chưa thỏa mãn hết nhu cầu của các em để phát huy tiềm năng, lợi thế này.

Tôi nghĩ rằng qua đánh giá dự án này, có nhiều vấn đề cần nghiên cứu và suy nghĩ lại. Chúng ta đưa về bố trí 580 trí thức trẻ đều là Phó Chủ tịch UBND xã nhưng qua 5 năm thực hiện, sắp xếp lại thì tỷ lệ bố trí trở lại Phó Chủ tịch xã chỉ 12,14%, Chủ tịch cũng chỉ 2,32%, số còn lại phải bố trí về công tác chuyên môn. Như vậy không phải là chúng ta đồng loạt đều bố trí làm Phó Chủ tịch cả, mà tùy theo chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn học của từng em. Để các em có khả năng cống hiến nhiều hơn thì phải bố trí ở vị trí phù hợp với người trẻ. Như vậy, việc sắp tới không phải là đề án của 600 Phó Chủ tịch xã nữa. Chúng ta thu hút trí thức trẻ và căn cứ vào trình độ chuyên môn được đào tạo, bố trí vị trí phù hợp để các em phát huy được khả năng, sở trường của mình để giúp xã có hoạt động tốt hơn.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khuyến khích các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách thông qua rút kinh nghiệm tổng kết của Dự án để thu hút trí thức về công tác tại xã. Bộ Nội vụ cũng sẽ trình Thủ tướng có chương trình tiếp tục đào tạo 560 em này về kiến thức, chuyên môn, về nghiệp vụ và luôn theo dõi các em, để các em trưởng thành, làm tiền đề cho Dự án 500 trí thức trẻ tiếp theo. Chúng tôi sẽ có những chương trình đào tạo để các em hòa nhập được với người dân ở địa phương, có thể trao đổi kiến thức các em đã có để phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Chúng tôi cũng sẽ đề nghị thông qua tổng kết Dự án này, nghiên cứu để điều chỉnh lại về cơ chế chính sách đối với lực lượng trí thức trẻ, lực lượng tình nguyện được phân công công tác ở những vùng khó khăn, những xã nghèo, đặc biệt là đối với những nơi miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để giúp cho các địa phương ngày càng phát triển đi lên. Quan điểm của Bộ Nội vụ là lấy thước chuẩn của cán bộ, công chức là quan trọng, để không hạ thấp tiêu chuẩn trình độ, điều kiện của các cán bộ ở cấp xã mà cố gắng nâng trình độ cán bộ xã, nhất là những xã vùng khó khăn, xã nghèo, để cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tốt hơn, có kiến thức rộng hơn, giúp cho người dân nhanh chóng thoát nghèo, giải quyết được chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian sắp tới.

Bộ Nội vụ có tiếp tục triển khai các dự án tương tự không, thưa Bộ trưởng?

Đối với trí thức trẻ, sắp tới sẽ không triển khai dự án nào mới nhưng từ tổng kết Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, chúng ta sẽ tổng kết để ban hành chính sách khuyến khích các địa phương có cơ chế để thu hút trí thức trẻ. Chúng ta cũng sẽ có cách để tiếp tục đào tạo lực lượng trí thức trẻ nói chung, cũng như đối với trí thức trẻ của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã nói riêng, để họ phát triển, có cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước.

Theo Bộ trưởng, với công tác cán bộ ở những vùng khó khăn, chúng ta sẽ phải làm gì?

Theo tôi, cái quan trọng nhất của công tác cán bộ là phải đào tạo. Tất cả cán bộ phải có trình độ, vừa có kiến thức thực tiễn, vừa phải có trình độ về chuyên môn. Mô hình vừa rồi, như tôi nói là mô hình vừa làm, vừa học. Vừa làm, nhưng các em hàng năm phải được bổ sung kiến thức, phải được cập nhật về vấn đề pháp luật và các em cũng phải được đi nghiên cứu, thậm chí nghiên cứu ở nước ngoài. Trong Dự án này, có 4 đợt đi nghiên cứu ở Hàn Quốc. Những kiến thức thực tế kết hợp với những quy định của pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước mà các em đã được trang bị, tôi tin chắc các em sẽ được trưởng thành. Từ cơ sở đi lên, kinh nghiệm sẽ dày dạn hơn.


Bộ Nội vụ sẽ can thiệp như thế nào trong việc bố trí cho 148 đội viên còn lại của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, vì thực tế tại một số địa phương, tỉnh nói huyện không nghe và có tỉnh có biên chế nhưng không bố trí cho số trí thức trẻ này?

Dự án này còn có 148 em chưa được 9 tỉnh bố trí, sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cân đối lại tổng biên chế trong phạm vi cả nước, cân đối lại theo nhu cầu của địa phương để cố gắng thực hiện đúng kết luận của Bộ Chính trị là những em được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên là phải được bố trí việc làm. Sắp xếp bố trí từ làm công chức cấp xã cho đến công chức của cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp tỉnh.

Còn việc tổ chức bố trí ở vị trí nào, đó là quyền của địa phương. Căn cứ vào nhu cầu của địa phương để xem xét, bố trí cho phù hợp với chuyên môn của từng em. Sẽ cố gắng phân bổ các chỉ tiêu để bố trí số còn lại.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Chu Thanh Vân (thực hiện)
Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Phép thử niềm tin
Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Phép thử niềm tin

Không có gì là quá, khi nói rằng Dự án 600 Phó Chủ tịch xã như một phép thử về niềm tin đối với thế hệ trẻ. Chưa bao giờ một chính sách mạnh mẽ như vậy được đưa ra thực hiện thí điểm với số lượng rất lớn, gần 600 trí thức trẻ - nhóm tuổi thường chưa được tin tưởng vì “non” kinh nghiệm, thiếu chín chắn, nhất là với những em mới chân ướt, chân ráo ra trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN