Báo cáo kết quả công tác thi đua, khen thưởng năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết: Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã đổi mới cơ bản trong việc xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua theo hướng sát thực tế, hướng về nhà giáo và người trực tiếp giảng dạy. Bộ tiêu chí thi đua đã được định lượng, rõ ràng, công khai, có minh chứng, sản phẩm khi đánh giá.
Khối giáo dục đại học đã từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của khu vực và quốc tế; đánh giá sự tiến bộ của chính cá nhân, tập thể đó, không áp đặt chỉ tiêu thi đua quá cao so với năng lực thực tế của mỗi tập thể, cá nhân, không chạy theo thành tích. Để khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát những văn bản dẫn đến bệnh thành tích trong giáo dục; giảm các thủ tục hành chính…
Đặc biệt, ngành ưu tiên khen thưởng người trực tiếp lao động theo tỷ lệ 2/3 trong tổng số người được khen, đúng tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị; thực hiện lấy kết quả xét, đánh giá công chức, viên chức, người lao động hàng năm làm căn cứ chủ yếu để xét thi đua, khen thưởng ở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trực thuộc Bộ, từng bước giảm các việc làm hình thức, kém hiệu quả.
Bên cạnh những ưu điểm, công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị trong ngành vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục như: một số đơn vị, cơ sở giáo dục chưa quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng; việc tổ chức phong trào thi đua còn hình thức, chưa thực chất; phong trào thi đua, khen thưởng chưa trở thành động lực mạnh mẽ, chưa thực sự là công cụ quản lý nhà nước quan trọng, góp phần phát triển giáo dục; chưa lôi cuốn được nhiều người tài, tập thể giỏi thực sự hào hứng tham gia; tính kịp thời trong khen thưởng còn hạn chế, hiệu quả chưa cao…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ: Ngành Giáo dục có hơn 23 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1,5 triệu giáo viên, là lực lượng cần được tuyên dương, khen thưởng. Do đó, ngành rất quan tâm đến việc xây dựng thể chế về thi đua, khen thưởng, có nhiều đổi mới, chú trọng các phong trào thi đua của ngành để ghi nhận, biểu dương, tôn vinh các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên. Vì vậy, bệnh thành tích có xu hướng giảm, tính tích cực tăng lên. Việc bình xét thi đua bám sát vào thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp trọng tâm của ngành Giáo dục.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đánh giá: Năm 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giúp Chính phủ hoàn thành 12/12 chỉ tiêu của Quốc hội giao. Chất lượng giáo dục đã nâng lên đáng kể: Giáo dục mầm non đạt chuẩn mầm non với trẻ 5 tuổi. Giáo dục phổ thông chuyển biến tích cực. Giáo dục đại học ngày càng được nâng cao. Một số trường đã tự chủ được tài chính, có trường nằm trong top 1.000 trường thế giới.
Bên cạnh đó, công tác thi cử đã được cải tiến, được xã hội thừa nhận. Công tác quản lý giáo dục được đặc biệt quan tâm. Hệ thống trường lớp được quan tâm xây mới, sửa chữa, nâng cấp. Đội ngũ giáo viên ngày càng chuẩn hóa, tiệm cận với chuẩn quốc tế. Nhiều giáo viên xung phong giảng dạy tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo tinh thần "Tất cả vì học sinh thân yêu". Công tác thi đua, khen thưởng thực hiện bài bản, nghiêm túc, có hướng dẫn, đánh giá, tổng kết, sơ kết. Các phong trào thi đua hướng đến giáo viên và học sinh, kiên quyết không chạy theo thành tích, phù hợp với thực tiễn.
Phó Chủ tịch nước yêu cầu trong năm tới, ngành Giáo dục cần tập trung cho việc chuẩn bị sách giáo khoa mới, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, tập huấn kỹ trong việc triển khai, hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, ngành Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới cách dạy, cách học, tiếp cận với phương pháp của thế giới, phát huy tư duy sáng tạo của người học; đặt lại phương châm, trọng tâm của ngành giáo dục, chú trọng dạy người; kết nối với các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để quan tâm, thu hút học sinh, sinh viên du học ở nước ngoài.
Giáo trình giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài cần được đổi mới phù hợp hơn nữa. Ngành Giáo dục cũng cần quan tâm, đầu tư cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số vì hiện nay 21% người dân tộc thiểu số chưa đọc - thông viết thạo; tăng cường công tác thanh tra, phòng chống gian lận thi cử, đảm bảo trung thực trong giáo dục, bằng cấp; phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; quan tâm xử lý tình trạng lạm thu; quản lý điểm trường mầm non dân lập, tư thục; đảm bảo an toàn trong việc đưa đón học sinh…
Về công tác thi đua khen thưởng, Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua. chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2020. Đặc biệt, ngành cần chú trọng quan tâm, biểu dương các giáo viên, học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên trong giảng dạy và học tập, đạt được thành tích cao.