Kỳ họp thứ 5 để lại nhiều cảm xúc cho đại biểu Quốc hội và cử tri

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã để lại nhiều cảm xúc cho nhân dân, cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội.

Sau 21 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV bế mạc trong sáng nay 15/6. Trước phiên bế mạc, bên lề Quốc hội, các đại biểu đã chia sẻ về những thành công và tồn tại của kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng). Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, một trong những nội dung được Quốc hội liên tục đổi mới là chất vấn và trả lời chất vấn. Kỳ họp này, Quốc hội áp dụng phương pháp hỏi nhanh, trả lời nhanh,  mỗi người hỏi một câu tối đa trong vòng một phút và người trả lời cũng phải trả lời ngay vào câu hỏi. Như vậy, Quốc hội đang nâng dần hiệu quả hoạt động, trong đó nổi bật là chất vấn và trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng, nhiều đại biểu băn khoăn việc tại kỳ này vẫn có dự án luật được xin rút cho thấy công tác xây dựng luật cần tiếp tục cải tiến trong kỳ họp sau. Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng trong bối cảnh có nhiều ý kiến khác nhau nên sắp tới cũng phải giải thích rõ cho người dân hiểu.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, Kỳ họp thứ 5 rất ngắn nhưng để lại rất nhiều “cảm xúc”. Cảm xúc đối với nhân dân, cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội. Trong kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét và thông qua một số luật rất quan trọng như Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng… Các luật này có giá trị đặc biệt với đất nước trong tình hình hiện nay.

Ngoài ra, Quốc hội còn thảo luận về Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Luật chăn nuôi, Luật trồng trọt… những luật này cũng rất quan trọng, để cụ thể hóa việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam phát triển đột phá và bền vững từ nay tới năm 2020.

Các cơ quan của Chính phủ,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự chuẩn bị rất tốt cho kỳ họp này. Tuy nhiên, vẫn còn những nội dung, công việc cần đánh giá, rút kinh nghiệm, để công việc chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, kỳ họp đã thảo luận và thông qua nhiều luật đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, kỳ họp đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát các công việc quan trọng, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri, giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, ví dụ như lĩnh vực giao thông, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phòng chống tham nhũng, giáo dục… 

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế).

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) khẳng định, kỳ họp thứ 5 đã thông qua nhiều luật và các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là kỳ họp ngắn nhất (21 ngày) nhưng khối lượng công việc khá lớn. Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục thực hiện đổi mới chất vấn nhanh, rõ, trả lời đúng trọng tâm. Chất lượng phát biểu của các đại biểu Quốc hội đã cải thiện, có nhiều ý kiến tâm huyết về các luật. Với các Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), luật về đặc khu… các đại biểu Quốc hội cũng đã lắng nghe ý kiến của cử tri cả nước. 

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, kỳ họp thứ 5 đã thành công, các chương trình đều đạt mục tiêu đề ra. Cách điều hành linh hoạt và đúng quy chế, có sự đổi mới đặc biệt là hoạt động chất vấn, hỏi một phút trả lời ba phút. "Các Bộ cũng nhận trách nhiệm nên tôi đánh giá rất cao những đổi mới trong kỳ họp này", đại biểu Dương Minh Tuấn khẳng định.

H.V/Báo Tin Tức
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Ngày 13/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN