Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.
Quá trình thảo luận đã có 48 đại biểu phát biểu và có 6 đại biểu tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu nhất trí với nội dung Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; tăng tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tăng thêm 01 ngày nghỉ lễ đó là Ngày gia đình Việt Nam 28/6; về thời giờ làm việc bình thường; về nghỉ lễ, Tết; chính sách tiền lương; bổ sung thêm về việc học nghề, dạy nghề đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dự thảo Bộ luật.
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến thận trọng, khách quan và thẳng thắn.
Về cơ bản các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia và người lao động khi tiếp thu, hoàn thiện dự án Bộ luật. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cao và thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau, như: việc làm thêm giờ; tăng tuổi nghỉ hưu; tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương trong năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về các nội dung còn ý kiến khác nhau trước khi biểu quyết thông qua.
Thứ Năm, ngày 24/10/2019, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Quốc hội họp phiên toàn thể nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.