Kỷ niệm 10 năm Cuộc thi viết 'Những tấm gương bình dị mà cao quý'

Tối 8/6, Chương trình kỷ niệm 10 năm phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết lần thứ 9 và Chương trình giao lưu - nghệ thuật với chủ đề “Khắc sâu lời Bác dạy” đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Đây là hoạt động do Báo Quân đội nhân dân, các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018).

Tới dự chương trình có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, cùng 70 đại biểu đã đồng hành, được tôn vinh trong Cuộc thi viết 10 năm qua.

Chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả được tặng giải thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng của Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan, đơn vị phối hợp, đồng hành làm nên thành công của Cuộc thi.

Đồng chí Võ Văn Thuởng nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo Bác đạt hiệu quả đòi hỏi phải đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó phải thường xuyên coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền để toàn Đảng, toàn xã hội nhận thức sâu sắc về nội dung cơ bản, giá trị to lớn, ý nghĩa thời sự của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những kết quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị: Báo Quân đội nhân dân, các cơ quan, đơn vị phối hợp phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục suy nghĩ, sáng tạo cách làm mới để thu hút người viết; nâng cao chất lượng bài viết; phản ánh đa dạng các đối tượng, cách làm sáng tạo, hiệu quả, kinh nghiệm hay, mô hình tốt; quảng bá sâu rộng hơn những gương người tốt, việc tốt; nâng cao chất lượng công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, lên án, cảnh báo những mặt xấu, hiện tượng tiêu cực.

Đồng chí Võ Văn Thưởng hy vọng các nhà báo, các tác giả tiếp tục đồng hành cùng Cuộc thi bằng trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp, bám sát thực tiễn sôi động của cuộc sống, phát hiện, nhận diện, phản ánh kịp thời, sinh động hơn nữa những tấm gương bình dị mà cao quý.
   
Chương trình là dịp gặp gỡ, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải; các tấm gương, điển hình tiêu biểu được phát hiện, phản ánh qua 9 cuộc thi; các tập thể, cá nhân đã đồng hành, đóng góp tích cực vào thành công của Cuộc thi viết trong 10 năm qua. Đây là sự kiện có ý nghĩa, là dấu mốc khẳng định thành công, sự lan tỏa và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong suốt 10 năm qua.

Cuộc thi được phát động lần đầu tiên năm 2008, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong 10 năm qua, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 4.000 tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên trong cả nước gửi tới dự thi và gần 1.500 tác phẩm được lựa chọn đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân, tạo được sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội.

Đồng chí Võ Văn Thưởng và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao giải Nhất cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 cho tác giả Đặng Thu Hà báo Quân đội Nhân dân với tác phẩm “Ba cô giáo trên đỉnh Lũng Cúng”. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 (2017 - 2018) do Báo Quân đội nhân dân, Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam phối hợp tổ chức.

Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm, phản ánh, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu; những tấm gương người tốt, việc tốt, bình dị mà cao quý, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Tổ chức đã lựa chọn, đăng tải 149 tác phẩm trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân và trao 21 giải thưởng cùng 1 Bằng khen cho các tác phẩm xuất sắc nhất; trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 15 giải Khuyến khích. Giải Nhất được trao cho tác giả Đặng Thu Hà, Báo Quân đội nhân dân với tác phẩm “Ba cô giáo trên đỉnh Lũng Cú”.

Trong chương trình, bên cạnh các phóng sự “Sự lan tỏa sâu rộng”, “Dấn thân vì việc nghĩa”, các đại biểu được giao lưu với một số tấm gương là những nhân vật hoặc người thân của nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải. Đó là ông Ngô Văn Léo (Đà Nẵng) - người đã cứu sống gần 200 người gặp nạn trên sông Cẩm Lệ; Thiếu úy Đinh Thị Kim Xoa - vợ liệt sĩ, Trung úy Đinh Văn Nam. Khán giả cũng được nghe những khách mời đặc biệt chia sẻ về Cuộc thi, ý nghĩa thiết thực mà Cuộc thi mang lại.

Dịp  này, Ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng khen cho Báo Quân đội nhân dân vì đạt thành tích xuất sắc trong 10 năm tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.

Tại lễ trao giải, Ban Tổ chức tiếp tục phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 (2018-2019).

Mỹ Bình (TTXVN)
Khai mạc triển lãm 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' lần thứ 6
Khai mạc triển lãm 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' lần thứ 6

Ngày 15/5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 6 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN