Đến dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh..., lãnh đạo các Sở, ban, ngành Thành phố, các chức sắc tôn giáo, đại biểu dân tộc, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động, đoàn viên thanh niên Thành phố...
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Tuổi thơ của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được gia đình cho học chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp.
Trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, chứng kiến những bất công, tủi nhục của thân phận người dân mất nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hình thành tình cảm yêu nước, căm ghé bọn thực dân, mang trong lòng hoài bão cứu dân, cứu nước từ rất sớm.
Vì vậy, khi vừa tròn 18 tuổi, tốt nghiệp trường Bách Nghệ với số điểm tuyệt đối, chàng thanh niên Tôn Đức Thắng đã quyết trở thành một người thợ và mãi mãi gắn bó cuộc đời với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Từ mảnh đất Sài Gòn đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng trong trái tim chàng trai trẻ. Ở tuổi 24, đồng chí Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son thắng lợi, ghi một dấu ấn đậm nét đầu tiên trong quá trình hoạt động cách mạng của mình.
Trở về Sài Gòn, sát cánh cùng đội ngũ thợ thuyền, người cộng sản Tôn Đức Thắng đã góp phần quan trọng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin và sáng lập ra tổ chức “Công hội đỏ” - Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Bác cũng lãnh đạo nhiều cuộc bãi công lớn.
Giữa lúc đất nước đang bước vào cao trào cách mạng, tháng 7 năm 1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt và tuyên án 20 năm tù khổ sai. tù. Dù bị lưu đày ra Côn Đảo vốn được coi là “địa ngục trần gian” cũng không thể khuất phục tinh thần và ý chí kiên cường của người cộng sản. Đồng chí đã biến nhà tù thành trường học Cộng sản thành lập Chi bộ Đảng nhà tù và cho ra đời tờ báo viết tay đầu tiên lấy tên Ý kiến chung và Tiến lên.
Chương trình nghệ thuật "Dâng người một bài ca" gồm 2 chương: "Tôn Đức Thắng - người thợ máy vĩ đại" và "Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn" với nhiều tiết mục biểu diễn ca múa nhạc đặc sắc, tái hiện sinh động cuộc đời đấu tranh không ngừng nghỉ của người cộng sản Tôn Đức Thắng.
Các bài hát như "Người thợ Ba Son"; "Bài ca Hắc Hải"; " Quốc tế ca - Công nhân Việt Nam"... dẫn dắt người xem theo chân người thanh niên Tôn Đức Thắng, hòa mình vào cuộc đấu trarnh của công nhân Ba Son những năm đầu thế kỷ 20.
Bên cạnh đó, các tiết mục cũng tái hiện hình ảnh Bác Tôn không chỉ là người lãnh đạo mẫu mực mà còn là một người rất gần gũi, giản dị, đầy trách nhiệm với người thân, gia đình, bạn bè.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức học tập tấm gương đạo đức cách mạng, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Bác Tôn; cùng nhau vun đắp, góp sức mình vào công cuộc đổi mới, để đất nước giàu mạnh như mong muốn của Bác Hồ và Bác Tôn.