Hành trình kì thú của Bảo vật quốc gia
“Đường Kách Mệnh” là tác phẩm tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927. Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927.
Cuốn sách “Đường Kách Mệnh” - Bảo vật quốc gia, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Theo PGS.TS Phạm Xanh, người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử cận đại, sau khi xuất bản, tác phẩm “Đường Kách Mệnh” được bí mật đưa về Việt Nam. Về đường bộ, cuốn sách đã được Nguyễn Công Thu (sau khi dự khóa học của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu) đưa về Việt Nam theo đường Lạng Sơn. Về đường thủy, cuốn sách được Nguyễn Lương Bằng - một giao liên bí mật của ta khi đó làm việc trên tàu Sông Pô, tuyến Quảng Châu - Hải Phòng, với sự khéo léo, ông đã đưa “Đường Kách Mệnh” về Việt Nam, và bàn giao lại cho những người có trách nhiệm làm tài liệu tuyên truyền và chuyển đi các nơi.
Ở Hà Nội, “Đường Kách Mệnh” còn được in lại để có thêm tài liệu tuyên truyền, giáo dục quần chúng. Năm 1927, “Đường Kách Mệnh” theo đường biển về Sài Gòn, rồi được chuyền đi các tỉnh Nam Kỳ... Thời đó, thực dân Pháp cấm các tài liệu liên quan đến Nguyễn Ái Quốc, nếu phát hiện ai tàng trữ, sử dụng và truyền bá các tài liệu của Nguyễn Ái Quốc đều bị đưa ra tòa và bị phạt tù. Và để tồn tại, cuốn “Đường Kách Mệnh” đã được “ngụy trang” bằng nhiều cách, như ở An Giang, cuốn sách được ngụy trang dưới hình thức kinh Phật, bên ngoài sách có tựa là Đạo Nam kinh, nhưng bên trong là nội dung tác phẩm “Đường Kách Mệnh”, và cuốn sách trở thành cuốn “cẩm nang” gối đầu giường của thế hệ cách mạng đầu tiên của Việt Nam, chỉ đường cho những người cộng sản Việt Nam đi tới thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Riêng cuốn “Đường Kách Mệnh” hiện vật gốc - đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lại có một đời sống riêng, lịch sử riêng đặc biệt thú vị. Đi kèm với cuốn “Đường Kách mệnh” hiện vật gốc này, có kèm một tờ giấy rời (tờ trình) viết bằng chữ Nôm, do một Phó lý ở một xã thuộc huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương viết. Nội dung tờ trình viết, vào năm Bảo Đại thứ 5, ngày 29 tháng Hai, (tức là ngày 28/3/1930), tay Phó lý bắt được cuốn sách cấm tại nơi ông ta cư trú, và xin nộp cuốn sách lên tri huyện Thanh Hà. Quan tri huyện Thanh Hà đã tiếp nhận và đóng triện lên đó.
Theo PGS.TS Phạm Xanh, huyện Thanh Hà là quê hương của ông Nguyễn Lương Bằng, giao liên bí mật quan trọng của ta thời kỳ đó, và ta có thể hiểu, cuốn sách này được ông Nguyễn Lương Bằng đưa về Hải Dương để truyền bá, nhưng không may lọt vào tay Phó lý và bị tịch thu. Từ Hải Dương, cuốn sách được đưa vào hồ sơ sách cấm của thực dân Pháp và được đưa về tòa án tối cao của thực dân Pháp ở Hà Nội lưu giữ. Sau khi ta tiếp quản thủ đô Hà Nội, cụ Nguyễn Văn Hoan - một lão thành cách mạng làm việc ở tòa án tối cao, trong quá trình sắp xếp lại tư liệu, cụ Nguyễn Văn Hoan đã phát hiện ra cuốn “Đường Kách Mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, cụ đã chuyển cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Đây được coi là cuốn sách “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, và đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Vẹn nguyên giá trị
GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, người đã có hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp của Bác Hồ nhấn mạnh, năm nay tròn 90 năm cuốn “Đường Kách Mệnh” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được xuất bản và có mặt tại Việt Nam, những giá trị về lý luận và thực tiễn của cuốn sách vẫn vẹn nguyên giá trị, đặc biệt với vấn đề đạo đức cách mệnh.
Những bài giảng trong cuốn “Đường Kách Mệnh”. |
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, điểm độc đáo của “Đường Kách Mệnh” ở chỗ, tuy là một tác phẩm lý luận, nhưng Bác lại đặt vấn đề về tư cách - đạo đức của người cách mệnh lên ngay từ những trang đầu của cuốn sách. Tức là, phải trung thành với lý tưởng và mục tiêu, phải kiên định với sự nghiệp đấu tranh, và nhất là phải giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng ham muốn về vật chất.
Từ khi Đảng còn chưa ra đời, Bác đã nhìn nhận rõ yếu tố quan trọng là cách mạng muốn thành công thì ngoài đường lối chính trị, ngoài lý tưởng mục tiêu ra, một vấn đề hết sức hệ trọng là đạo đức của người cách mệnh, đạo đức của Đảng cách mệnh, nhất là khi ở vị trí cầm quyền. Bác nhấn mạnh, người cách mệnh phải ít lòng ham muốn về vật chất, có bản lĩnh chống chủ nghĩa cá nhân, chống giặc nội xâm, phải có đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư thì mới toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp cách mạng, vì sự nghiệp phục vụ nhân dân.
GS. TS Hoàng Chí Bảo khẳng định, trong “Đường Kách Mệnh” có cả giá trị khoa học, giá trị đạo đức, giá trị văn hóa - nhất là văn hóa chính trị. Đây chính là giá trị bền vững, có sức sống ảnh hưởng sâu rộng lâu dài trong sự nghiệp của chúng ta hiện nay và mai sau. Trong nội dung “Đường Kách Mệnh”, Bác còn đặt vấn đề là phải rất chú trọng trong ứng xử với người, với việc, với tổ chức đoàn thể, Bác đặc biệt nhấn mạnh từ nghiêm túc: Với mình thì nghiêm, với người thì rộng lòng khoan thứ, với tổ chức thì giữ nguyên tính tổ chức.
Trong “Đường Kách Mệnh”, Bác còn đưa ra một khảo cứu lịch sử và lý luận cả về tổ chức công đoàn, về hợp tác xã, các tổ chức liên hiệp của phụ nữ, các tổ chức mặt trận đoàn thể, kể cả những vấn đề về hội chữ thập đỏ... Mặc dù, trong cuốn sách này, Bác chưa một lần sử dụng thuật ngữ hệ thống chính trị, nhưng việc Người nói về Đảng, về cách mạng, về giành chính quyền, về thành lập các đoàn thể của dân, để dân làm chủ... chính là tư tưởng dân chủ và hệ thống chính trị sau này. Người tìm ra con đường các dân tộc thuộc địa bị áp bức hoàn toàn có thể chủ động để giành lấy thắng lợi bằng sự nghiệp cách mạng “đem sức ta mà giải phóng cho ta, và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở nước ta đã chứng thực tư tưởng này của Bác là hoàn toàn đúng đắn và chính xác.
Trong “Đường Kách Mệnh” Bác viết, Đảng lấy công tác lý luận tư tưởng làm gốc và đào tạo cán bộ sau này. Tư tưởng này sau đó được Bác phát triển sâu trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, được Bác viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1947. Trong đó, Người dành cả một chương quan trọng để nói về xây dựng Đảng cách mạng chân chính với 12 điều, mà điều quan trọng nhất: Đảng là một tổ chức cách mạng phục vụ giai cấp dân tộc và nhân loại, chứ Đảng không phải một tổ chức để làm quan phát tài. “Khi viết tư cách Đảng cách mệnh chân chính, Bác đặc biệt chú trọng đến động cơ chính trị của người vào Đảng, động cơ này mà không trong sáng, không vì dân vì nước, không vì sự nghiệp chung, mà vì vụ lợi, vị kỷ, cá nhân thì sớm muộn rồi cũng sẽ biến dạng và thoái hóa. Điều này là một cảnh báo rất thời sự cho chúng ta hiện nay”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Cũng theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Đảng ta đang tận dụng triệt để những điều Bác viết để xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghĩa là, bây giờ xây dựng Đảng không chỉ về tư tưởng, chính trị, tổ chức như trước, mà phải xây dựng Đảng đặc biệt về đạo đức và văn hóa.
Đạo đức ấy chính là đạo đức cách mạng cần - kiệm - liêm - chính của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, văn hóa đó là văn hóa chính trị, văn hóa dân chủ, văn hóa pháp quyền, và văn hóa ứng xử tinh tế giữa cán bộ đảng viên công chức với người dân, trên tinh thần trọng dân (kính trọng, lễ phép với nhân dân), trọng pháp (tôn trọng luật pháp của Nhà nước pháp quyền)... chúng ta phải làm thế nào để vận dụng được tư tưởng của Bác vào đường lối chính sách chiến lược phát triển cán bộ, vào trong cơ chế, để đưa được người tài giỏi, có đức độ vào trong bộ máy của Đảng, chính quyền, đoàn thể; đồng thời, phải loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất, làm tổn hại thanh danh của Đảng - đó là yêu cầu bức xúc mà nhân dân đặt ra hiện nay.