Kỷ niệm trọng thể 40 năm ngày ký Hiệp định Pari

Ngày 25/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2013), sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, các vị khách quốc tế, các thành viên phái đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các cán bộ, chiến sỹ đã tham gia phục vụ Hội nghị Pari đã đến dự.


Cách đây 40 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược. Hiệp định đã mở ra một cục diện mới với thế mạnh áp đảo của Việt Nam trên chiến trường, tạo tiền đề vững chắc cho quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Pari đã phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự; phát huy thắng lợi trên các chiến trường, giữ vững thế chủ động trong đàm phán, liên tục tiến công. Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế tại Hội nghị Pari làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa sáng ngời của cuộc chiến tranh giải phóng và thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam; vạch trần những thủ đoạn, mưu đồ đen tối, tính chất phi nghĩa, tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược của địch, đã góp phần quan trọng tạo nên phong trào nhân dân thế giới rộng lớn chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam - một phong trào mang tính lịch sử và thời đại, tiêu biểu cho lương tri của loài người, đã tác động rất lớn tới dư luận tiến bộ Mỹ, thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ.


Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Hiệp định Pari là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi này mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh; có sự đóng góp từ những nỗ lực hết mình của các cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước mà trực tiếp là cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Pari, cuộc đấu trí thể hiện bản lĩnh kiên cường, thông minh, sáng tạo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam với một nền ngoại giao nhà nghề, sừng sỏ.


Chủ tịch nước bày tỏ, kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; ghi nhớ công lao của biết bao đồng bào, đồng chí, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để làm nên những chiến công chói lọi; ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các thành viên: Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng đoàn và Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thị Bình làm Trưởng đoàn, đặc biệt là vai trò và những cống hiến to lớn của đồng chí Cố vấn Lê Đức Thọ; biết ơn chân thành các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ, đã ủng hộ, cổ vũ cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý.


Chủ tịch nước nhấn mạnh, những bài học của Hội nghị Pari là hành trang quý giá để đất nước vững bước tiến vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, củng cố, nâng cao thế và lực của đất nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp của ngoại giao Việt Nam và những bài học quý giá của Hội nghị Pari, công tác đối ngoại cần quán triệt, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội XI của Đảng đã đề ra, trong đó cần tập trung tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại; kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước; xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại tuyệt đối trung thành, suốt đời phấn đấu vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.


Tại buổi lễ, Chủ tịch nước đã trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vì những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.


Tại buổi lễ, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phát biểu nhấn mạnh thắng lợi của Việt Nam tại cuộc đàm phán Pari là minh chứng tập trung nhất về sự đúng đắn, tài tình của đường lối sách lược của nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, nếu không có Tết Mậu Thân 19, không có cuộc giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt xung quanh Thành cổ Quảng Trị, không có trận Điện Biên Phủ trên không, không có miền Bắc - Hậu phương lớn hỗ trợ cho tiền tuyến lớn phía Nam thì không có Hội nghị Pari về Việt Nam, không thể có Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Bên cạnh đó, không thể không kể đến hàng triệu, hàng triệu người trên thế giới ở châu Âu, châu Á - Phi - Mỹ la tinh, châu Đại dương, phong trào phản chiến ở Mỹ bằng nhiều hình thức đã góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam.


Đại diện các đoàn khách quốc tế dự buổi lễ, bà Helene Luc, Thượng nghị sĩ danh dự Thượng viện Pháp, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt nhấn mạnh, Hiệp định Pari cũng là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ. Hiệp định Pari đã củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa; đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý. Sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp là một phần của lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam, tiếp tục đồng hành với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


* Ngày 24/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2013).


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đoàn khách quốc tế dự kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pari Ngày 25/1, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật đoàn khách quốc tế đang có mặt tại thủ đô Hà Nội dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tại buổi tiếp, các đại biểu xúc động cảm ơn đón tiếp nồng hậu của Ban tổ chức lễ kỷ niệm, đã tạo điều kiện để các đoàn khách đến Việt Nam dự buổi lễ trọng đại. Các đại biểu đại diện các đoàn Pháp, Nga, Mỹ, CHDCND Lào nhấn mạnh, những ngày này, tại những địa điểm khác nhau trên thế giới có liên quan đến Hiệp định Pari năm 1973, nhiều hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức trọng thể. Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh sự hiện diện của các vị khách quốc tế, đúng vào dịp Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày lễ trọng đại. Chủ tịch nước bày tỏ lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ, đã ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, tin tưởng trái tim và khối óc của bạn bè quốc tế sẽ đồng hành với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam luôn chào đón những người bạn quốc tế và sẵn sàng hợp tác với các nước trên nhiều lĩnh vực. Chủ tịch nêu rõ, trên các diễn đàn trong nước và quốc tế, Việt Nam luôn thể hiện rõ vai trò là thành viên tin cậy và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần xây dựng môi trường hòa bình và phát triển cho các quốc gia.

Tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng; Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean Noël Poirier; Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO; ông Pierre Laurent, Thượng nghị sỹ, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp; lãnh đạo hai thành phố Choisy-Le-Roi và Verrières-Le-Buisson, nơi hai đoàn đàm phán Việt Nam từng lưu trú giai đoạn 19 - 1973; đại diện các hội đoàn hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam cùng những Việt kiều từng tham gia giúp đỡ đoàn và bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam.


Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định rằng việc ký kết Hiệp định về Việt Nam tại Pari cách đây 40 năm là một sự kiện lịch sử, một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến tranh hào hùng của nhân dân Việt Nam giành độc lập và giải phóng dân tộc. Việc ký kết Hiệp định Pari năm 1973 buộc Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và rút quân khỏi Nam Việt Nam, mở đường cho việc thống nhất đất nước vào tháng 4/1975. Hai sự kiện là ký kết thắng lợi Hiệp định Pari năm 1973 và thống nhất đất nước vào năm 1975, đã đi vào biên niên sử của nhân loại như một ví dụ về ý chí của một dân tộc kiên quyết đấu tranh vì các quyền cơ bản của con người và là minh chứng hùng hồn về ý chí của một dân tộc quyết đấu tranh để giành độc lập dân tộc và tự do.


Để giành được thắng lợi vẻ vang đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ hết lòng của bạn bè quốc tế, những người yêu chuộng hòa bình, trong đó phải kể đến các thành viên của Đảng Cộng sản Pháp, các tổ chức, cá nhân người Pháp trực tiếp và gián tiếp ủng hộ Việt Nam cùng cộng đồng người Việt yêu nước ở Pháp.


Đại diện của Đảng Cộng sản Pháp và hai thành phố từng giúp đỡ đoàn đàm phán Việt Nam bày tỏ tinh thần đoàn kết, hữu nghị gắn bó với nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định rằng thắng lợi của nhân dân Việt Nam cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là sự cổ vũ lớn cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới vì tự do và hòa bình.


Hoàng Giang - Nhóm p/v TTXVN tại Pháp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN