Ngày 19/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến chào từ biệt nhân hoàn thành nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những nỗ lực của ông Benedict Bingham, cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa IMF với các cơ quan chức năng Việt Nam trong thời gian qua. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, nhờ sự hỗ trợ tích cực của IMF, hoạt động chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô của các cơ quan chức năng của Việt Nam ngày càng hiệu quả, đưa Việt Nam từ một nước còn nhiều thiếu thốn, đến vị thế của quốc gia đang phát triển, có nhiều tiềm năng hợp tác với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, nhìn lại bối cảnh tình hình tài chính, thị trường trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam còn nhiều thách thức trong việc bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Chủ tịch nước mong muốn IMF tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam để có những tư vấn chính sách hiệu quả, thiết thực, giúp Việt Nam thành công trong đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.
Cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành thời gian tiếp, ông Benedict Bingham bày tỏ cá nhân ông và IMF tại Việt Nam thời gian qua đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng ở Việt Nam. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ đó, IMF tại Việt Nam đã có những đánh giá tư vấn chính xác, hỗ trợ tích cực các cơ quan chức năng Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô.
* Chiều 19/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Benedict Bingham. Cùng đi với ông Benedict Bingham là ông Sanjay Kalra – người sẽ kế nhiệm chức vụ của ông Benedict Bingham vào tháng 10/2011.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực, thiện chí hợp tác của ông Benedict Bingham và sự hợp tác chặt chẽ giữa IMF và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới gồm 3 trụ cột chính sách lớn. Đó là Việt Nam ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là người nghèo, người mất việc làm. Thủ tướng mong muốn IMF tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để có những tư vấn chính sách thiết thực, hiệu quả. Chính phủ Việt Nam hoan nghênh những ý kiến của IMF về điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam và luôn xem IMF là người bạn đồng hành với Việt Nam.
Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian đón tiếp, ông Benedict Bingham cho biết, cá nhân ông đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các bộ, ngành chức năng của Việt Nam trong quá trình công tác tại Việt Nam. Đưa ra dự báo bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nguy cơ về khủng hoảng ở Mỹ, Châu Âu… sẽ có ảnh hưởng tới Việt Nam, ông Benedict Bingham cho rằng, ông Sanjay Kalra với nhiều kinh nghiệm về tài chính, tiền tệ ở châu Á sẽ có những đóng góp tích cực trong hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và IMF, nhất là trong hoạt động tư vấn chính sách cho Việt Nam trước hậu quả của khủng hoảng và suy thoái.
Ông Sanjay Kalra bày tỏ vui mừng được sang Việt Nam nhận nhiệm vụ công tác mới; khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo sự hợp tác giữa IMF với Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là trong tư vấn về chính sách, góp phần cùng Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Hoàng Giang - Nguyễn Bích Thủy