Tại hội nghị, đa số các đại biểu thống nhất việc hợp nhất 3 văn phòng thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức văn phòng gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ văn phòng.
Theo các đại biểu, việc hợp nhất sẽ góp phần tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương, có khả năng thu hút được cán bộ giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn ở các sở, ban, ngành địa phương về công tác tại văn phòng chung, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Khi thực hiện hợp nhất 3 văn phòng sẽ giảm được hai đầu mối cơ quan tương đương cấp sở ở mỗi địa phương, tương ứng với đó sẽ giảm được 2 cấp trưởng và 3 cấp phó ngành, nhiều đầu mối cấp phòng và Trưởng, Phó Trưởng phòng. Cùng với đó, kinh phí hoạt động và việc đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của văn phòng do một đầu mối quản lý sẽ tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc sử dụng nguồn kinh phí đối với hoạt động chung và tập trung nguồn lực xây dựng chế độ chung tốt hơn đối với công chức, người lao động.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, Chánh Văn phòng HĐND là thành viên Thường trực HĐND, Chánh Văn phòng UBND là thành viên của UBND. Khi hợp nhất 3 văn phòng, người đứng đầu văn phòng chung không thể vừa là thành viên Thường trực HĐND vừa là thành viên của UBND. Do đó, nhiệm vụ giúp việc, phục vụ hai nhóm đối tượng chuyên biệt thuộc về một văn phòng chung là chưa phù hợp. Nhiệm vụ này sẽ bị hạn chế và khó bảo đảm công tâm, khách quan khi hợp nhất cơ quan giúp việc văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp tỉnh.
Theo một số đại biểu, một văn phòng nhưng có chức năng, nhiệm vụ phục vụ nhiều đối tượng khác nhau với ba chủ thể chỉ đạo khác nhau, ba cấp trên trực tiếp khác nhau là Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND sẽ có những bất cập trong việc vừa tham mưu xây dựng chính sách, vừa tham mưu thi hành chính sách sau đó lại tiếp tục tham mưu giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật nên không khách quan và chất lượng, hiệu quả không cao.
Các đại biểu cũng lưu ý, việc hợp nhất 3 văn phòng không chỉ là sáp nhập cơ học mà cần phải xác định rõ tên gọi, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, cơ chế hoạt động của văn phòng chung cho phù hợp, tránh sự chồng chéo trong công tác tham mưu, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh. Đặc biệt, các địa phương phải có sự nghiên cứu để thay đổi quy trình công việc, trong đó phân định rạch ròi chức năng tham mưu cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định các nội dung và chức năng tham mưu cho HĐND cấp tỉnh xem xét, giám sát các vấn đề đối với UBND cùng cấp. Đây là việc không dễ, đòi hỏi sự khách quan, khoa học, độc lập trong tham mưu, đề xuất của văn phòng để tránh việc mâu thuẫn, thiếu khách quan trong quá trình hoạt động, thực thi nhiệm vụ. Do đó, có ý kiến đề nghị văn phòng chung nên là cơ quan tương đương cấp sở tại địa phương, trực thuộc UBND nhưng không phải là cơ quan chuyên môn của UBND. Chánh Văn phòng chung sẽ là người điều hòa, chỉ đạo việc phối hợp các phòng, đơn vị để thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc chung, tránh chồng chéo hay đùn đẩy nhiệm vụ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các ý kiến đóng góp tại hội nghị đều theo đúng mục tiêu sáp nhập 3 văn phòng phải góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND. Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp thu và ghi nhận đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu để hoàn thiện Đề án trong thời gian sớm nhất.