Đến dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo nhân dân trong tỉnh.
Tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh đã ôn lại lịch sử hào hùng của trận Mộc Hóa năm xưa. Cách đây 70 năm (18/8/1948 - 18/8/2018), chiến thắng Mộc Hóa - Bản Anh hùng ca của "Nam Bộ thành đồng, đi trước về sau" đi vào lịch sử, là một trong những điểm son chói lọi trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Vào thời điểm đó, trước những yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được sự đồng tình, ủng hộ to lớn của quân và dân huyện Mộc Hóa nói riêng và toàn khu vực nói chung, đầu tháng 8/1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 đã quyết định lên kế hoạch tổ chức đánh trận Mộc Hóa.
Lực lượng tham gia trận đánh gồm: Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307, Trung đội du kích tập trung của huyện và du kích 3 xã xung quanh huyện lỵ Mộc Hóa, đặt dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Nguyễn Chánh - Tham mưu trưởng Khu 8.
Sau hai tháng tích cực chuẩn bị, đêm 16/8/1948, quân và dân ta nổ súng mở đầu cho trận đánh Mộc Hóa lịch sử theo chiến thuật “Công đồn, đả viện”.
Ngày 17/8/1948, sau khi phát hiện địch dùng ghe xuồng chở quân bị thương cập bến ông Tờn xã Bình Hiệp, Ban Chỉ huy trận đánh đã linh hoạt thay đổi kế hoạch. Ban đầu điều Đại đội 931 của Tiểu đoàn 307 ra chặn đánh, đồng thời Đại đội 1075 của Trung đoàn 120 tiếp tục khép chặt thế vây hãm đồn Mộc Hóa.
Đúng theo dự báo, ngày 18/8/1948, một tiểu đoàn địch từ biên giới Việt Nam - Campuchia tiến về cứu viện đồn Mộc Hóa bị rơi vào bẫy phục kích. Lập tức bộ đội và du kích toàn mặt trận đồng loạt nổ súng mãnh liệt xung phong, chia cắt, bao vây tiêu diệt địch.
Kết quả, sau 3 ngày chiến đấu đầy mưu trí và dũng cảm, quân và dân ta đã đánh thiệt hại một tiểu đoàn địch, bắt sống một số tên cầm đầu, trong đó có Trung úy đồn trưởng Louis Bertrand, thu hàng trăm súng các loại.
Chiến thắng trận Mộc Hóa tháng 8/1948 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước đột phá của bộ đội ta từ thế phòng ngự sang tiến công tiêu diệt địch, khởi động phong trào “thi đua yêu nước giết giặc lập công” làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào lúc bấy giờ.
Từ chiến thắng Mộc Hóa, quân và dân ta hoàn chỉnh khu căn cứ ở Đồng Tháp Mười và mở rộng giao lưu giữa Khu 7 với Khu 8 và Khu 9, đồng thời liên kết hai chiến trường Việt Nam - Campuchia
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa ngày nay đã có những bước chuyển tích cực, kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, từng bước khẳng định là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh.
Để góp phần vào nhiệm vụ chung của tỉnh và cả nước, trong thời gian tới thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa phải tiếp tục thực hiện tốt vai trò là trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, giàu tiềm năng của tỉnh.
Cần phải chủ động khai thác, vận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương và tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để phát triển nhanh, toàn diện hơn nữa cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, khai thác kinh tế vùng biên giới hiệu quả; tăng cường đoàn kết, hữu nghị với nhân dân nước bạn Campuchia, bảo đảm giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, xem đây là bổn phận và trách nhiệm thường xuyên.
Các thế hệ hôm nay và mai sau phải tiếp tục giữ gìn truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ cha, anh đi trước, học tập những tấm gương yêu nước, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.