Phát triển Đảng có lợi cho doanh nghiệp
Công ty CP Tập đoàn Hương Sen (Thái Bình) là một trong những doanh nghiệp (DN) thành lập chi bộ Đảng đầu tiên trong khối các DN ngoài nhà nước, từ năm 1989. Khi ấy chi bộ chỉ có 3 Đảng viên. Nhớ lại những ngày đầu khó khăn ấy, ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Hương Sen, Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình không khỏi xúc động. Ông Vẻ chia sẻ, thời điểm đó, việc thành lập chi bộ Đảng tại doanh nghiệp tư nhân là điều rất mới mẻ và chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, theo thời gian, mô hình này đã khẳng định vai trò của mình.
Ông Vẻ cho biết, sau gần 30 năm, đến nay chi bộ Đảng của công ty đã phát triển thành Đảng bộ vững mạnh với đảng viên sinh hoạt ở 4 chi bộ trực thuộc. Tổ chức Đảng cũng luôn là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp hoạt động, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất thì các đảng viên luôn là những người đi tiên phong, đồng cam cộng khổ, hiến kế đưa doanh nghiệp phát triển, đưa Hương Sen từ một DN nhỏ thành DN lớn với nhiều công ty trực thuộc và đóng góp thuế lớn nhất của tỉnh Thái Bình.
Để nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức đảng trong DN, Đảng ủy đã xây dựng quy chế hoạt động, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Tổng giám đốc cùng xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế cho Tập đoàn. Nội dung sinh hoạt bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Đảng bộ tỉnh. Những vấn đề lớn liên quan đến sự phát triển của DN được tập thể Đảng ủy, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc thảo luận, thống nhất quyết định trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm.
“Chúng tôi sinh hoạt đều đặn mỗi tháng 1 lần. Đảng ủy thì 3 tháng 1 lần, 6 tháng sơ kết, cuối năm tổng kết. Trong tổ chức Đảng có đầy đủ quy chế, quy định cho từng Đảng viên, chi bộ. Đặc biệt các tổ chức Đảng thảo luận rất nhiều về hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển DN, tăng trưởng kinh tế, xây dựng văn hóa DN, doanh nhân”, ông Vẻ cho hay.
Cùng với đó, để khuyến khích Đảng viên và tạo điều kiện cho sự phát triển của tổ chức Đảng, đa số các Đảng viên đều được bố trí vào các vị trí chủ chốt như phó tổng giám đốc, giám đốc nhà máy, trưởng các phòng, tổ, đội sản xuất và đều phát huy tốt vai trò quản lý, thể hiện năng lực điều hành trong các hoạt động...
Ông Đỗ Văn Vẻ, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty kiểm tra hệ thống chiết lon bia. Ảnh: Thanh Tâm.
|
Cũng là DN có chi bộ Đảng phát triển vững mạnh tại quận Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Thu Hằng, Giám đốc Ban Hành chính - nhân sự, Bí thư chi bộ, Công ty CP Đầu tư Infinity Group (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản) cho rằng, hoạt động của tổ chức Đảng nếu biết tổ chức tốt thì sẽ bổ trợ cho hoạt động kinh doanh của DN chứ không phải điều gì xa vời.
Công ty bà Hằng mới thành lập chi bộ vào ngày 29/6/2017, chi bộ của DN đã sinh hoạt theo đúng chế độ, điều lệ đảng, báo cáo các sinh hoạt của chi bộ theo đúng điều lệ, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ. Đặc biệt với công tác phát triển Đảng, chi bộ đã đưa 2 quần chúng ưu tú đi học lớp cảm tình đảng để chuẩn bị phát triển tổ chức. Một số đối tượng cũng trong diện đang bồi dưỡng.
Bà Hằng cho biết, các nghị quyết của chi bộ triển khai bao giờ cũng song hành với chiến lược kinh doanh, các định hướng hoạt động hằng tháng của chi bộ cũng gắn theo chiến lược kinh doanh và trong chiến lược đó lấy nòng cốt là đảng viên gương mẫu đi đầu.
“Trước đây tôi được kết nạp Đảng tại một công ty nhà nước, cũng đã từng sinh hoạt ở chi bộ của công ty khác là công ty liên doanh nước ngoài. Tôi thấy nếu biết cách sắp xếp thời gian thì việc sinh hoạt chi bộ không ảnh hưởng gì đến thời gian hoạt động ở công ty. Chẳng hạn như hết giờ làm việc thì ở lại tầm 1 tiếng để sinh hoạt Đảng. Nếu nói thành lập chi bộ Đảng không có thời gian hoạt động thì có phần ngụy biện”, bà Hằng nói.
Theo Nghị quyết TƯ5, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó việc phát triển tổ chức Đảng trong các DN lúc này là rất đúng thời điểm. Theo bà Hằng, không thể nói các công ty không có tổ chức Đảng thì không thành công, nhưng nếu có được tổ chức Đảng để làm nhân tố nòng cốt, tiên phong trong triển khai thì việc đi đến thành công sẽ dễ dàng hơn.
Vai trò người đứng đầu
Theo số liệu của Ban Tổ chức TƯ, tính đến 30/6/2015, cả nước có 134.036 đảng viên trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Và tính đến tháng 10/2016, có 2.351 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân (gồm 729 chủ công ty TNHH, 733 chủ công ty cổ phần, 18 chủ công ty hợp danh và 871 chủ doanh nghiệp tư nhân).
Đại diện các DN đều cho rằng, hoạt động tổ chức Đảng của DN có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo DN.
Ông Đỗ Văn Vẻ cho rằng, để các tổ chức Đảng của DN ngoài quốc doanh phát triển, cần sự tư vấn, giúp đỡ của ban lãnh đạo DN, vừa tạo mối quan hệ đồng thuận giữa hội đồng quản trị với tổ chức Đảng. “Ông chủ DN là người bỏ vốn đầu tư vào DN, nếu họ không tham gia sinh hoạt Đảng, hoặc không quan tâm thì tổ chức Đảng sẽ khó hoạt động và ngược lại”, ông Vẻ nêu quan điểm.
Muốn được như vậy, ban lãnh đạo DN cần hiểu được những ích lợi của hoạt động Đảng trong DN. Trong suốt mấy chục năm qua, tổ chức Đảng tại Công ty Hương Sen đã kết nạp được hàng chục đảng viên và đó đều là những đảng viên rất xứng đáng. Sau khi được kết nạp, họ đã thực hiện đúng lời hứa khi vào Đảng, phát huy tốt. Nhiều công nhân, đoàn viên thấy hoạt động của tổ chức Đảng tốt nên rất hăng hái thi đua, phấn đấu tích cực để trở thành đảng viên, mỗi năm kết nạp được 4 – 6 đảng viên mới.
“Tổ chức Đảng và ban lãnh đạo DN chúng tôi có mối quan hệ tốt nên nhiều năm nay Tập đoàn không ngừng tăng trưởng lớn mạnh. Đây là mô hình tổ chức Đảng trong DN tư nhân đầu tiên của Việt Nam ra đời trong thời kì đổi mới của đất nước, đã góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ông Vẻ tự hào nói.
Còn theo bà Nguyễn Thu Hằng, nếu người lãnh đạo DN biết tận dụng lực lượng đảng viên trong DN thì rất tốt vì họ bao giờ cũng có sự tự tôn riêng. Khi làm việc, họ có sự gương mẫu trước những vấn đề khó khăn hoặc khi công việc có khó khăn thì những lực lượng đó sẵn sàng tiên phong. Đảng viên có sự gắn bó chặt chẽ với quần chúng, dễ phát hiện những sự đồng thuận hay không đồng thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động… Chi bộ đảng trong công ty còn có vai trò điều hòa các mối quan hệ giữa các tổ chức đoàn thể trong công ty như công đoàn, đoàn thanh niên…
Để hoạt động phát triển Đảng trong các DN tư nhân phát triển hơn nữa trong thời gian tới, ông Vẻ kiến nghị Đảng và Nhà nước có đánh giá, tổng kết vai trò hoạt động của các tổ chức Đảng tại DN tư nhân để rút ra bài học cho thời gian tới, đánh giá đầy đủ sâu sắc các mặt thuận lợi, khó khăn của tổ chức Đảng.
“Thực tế có những tổ chức Đảng thành lập những sau đó DN giải thể, ngừng hoạt động, hoặc có đảng viên không phấn đấu lại xin ra khỏi Đảng… Do đó cần có những tổng kết, đánh giá để đưa ra đường lối, cơ chế phù hợp”, ông Vẻ nêu.
Cùng với đó, ông Vẻ kiến nghị, nên có cơ chế rõ ràng, minh bạch về chi tiêu, ngân sách cho tổ chức Đảng trong DN hoạt động để đảng viên yên tâm hoạt động. Đặc biệt, nên tạo điều kiện và khuyến khích kết nạp những chủ DN đủ điều kiện vào Đảng và vai trò của địa phương trong vấn đề này cần được nâng cao hơn nữa, để khuyến khích phát triển tổ chức Đảng trong các DN tại các địa phương.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kể câu chuyện: Có doanh nhân là đảng viên khi thành lập DN đã xin ra khỏi Đảng nhưng khi có chính sách phát triển Đảng ở DN tư nhân thì lại xin vào Đảng. Hiện giờ ông vừa làm chủ tịch HĐQT vừa làm bí thư chi bộ.
“Chúng tôi khuyến nghị trong khu công nghiệp, mỗi DN có 1 đảng viên thì có thể thành lập chi bộ ghép để làm cơ sở phát triển Đảng. Nhiều nơi như Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, công tác phát triển Đảng ở khu công nghiệp rất tốt. Sắp tới nên đưa chi phí hoạt động sinh hoạt Đảng vào chi phí hợp lý của DN để tạo điều kiện tốt hơn”, ông Phòng đề xuất.