Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo luật) cho biết, một trong những mục tiêu đề ra khi sửa đổi Luật Đầu tư công là nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tăng cường hậu kiểm trong quản lý đầu tư công.
Nhiều tồn tại trong hoạt động đầu tư công
Luật Đầu tư công tại Việt Nam được ban hành năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai mặc dù đạt được kết quả ban đầu khá tích cực, nhưng luật này còn có khá nhiều tồn tại trong hoạt động đầu tư công. Từ đó, dẫn đến yêu cầu phải phải sửa đổi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Luật Đầu tư công còn khá nhiều tồn tại, chẳng hạn như: cơ cấu vốn đầu tư công chưa hợp lý. Bởi, xét về mặt cơ cấu, sau giai đoạn tăng mạnh, chi đầu tư từ ngân sách nhà nước đang theo xu hướng giảm dần. Tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi tiêu công cao nhất là 42% (năm 2009) đã giảm còn 32,4% (năm 2012) và chỉ đạt hơn 25% vào năm 2018. Có thể thấy rằng, từ khi áp dụng Luật Đầu tư công, tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước đang giảm dần.
“Tái cơ cấu đầu tư công qua việc giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội là cần thiết. Song, giảm mạnh và đột ngột khoản đầu tư này chưa hẳn đã tốt vì hiện chưa có nguồn lực thay thế ngay khoản đầu tư này.”, GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết.
Bên cạnh đó, tình trạng giải ngân đầu tư công còn chậm trễ. Theo ước tính của Bộ Tài chính, đến 31/12/2018, vốn giải ngân đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ đạt 67,6% dự toán, còn cùng kỳ 2017 cũng chỉ đạt 70,7% dự toán.
Không những thế, tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư công vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số quá trình phân bổ vốn đầu tư chưa thực hiện đúng các quy định như: phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí và phân bổ vốn còn dàn trải, thời gian phân bổ kéo dài so với quy định. Tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản cũng chưa được xử lý triệt để. Nhiều dự án dở dang hoặc thời gian thi công kéo dài, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư gây lãng phí và thất thoát nguồn lực.
Theo PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tình trạng giải ngân đầu tư công chậm đang cản trở hoạt động đầu tư công. Số lượng dự án vi phạm trong năm không thay đổi đáng kể, thậm chí tăng lên. Hệ thống thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế. Việc xác định danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn vướng mắc.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều bất cập cả trong văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức điều hành của các cơ quan Trung ương và địa phương, các bộ ngành trong việc phối hợp quản lý công.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho hay, Luật Đầu tư công hiện nay chưa giải quyết được vấn đề nâng cao hiệu quả đầu tư công và đầu tư Nhà nước nếu chỉ chuyển từ Chính phủ quyết sang Quốc hội quyết hay ngược lại. Bên cạnh đó, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng khiến ngân sách nhà nước có tiền nhưng không tiêu được, trong khi nhiều công trình lại phải chờ vốn…
Tăng cơ chế quản lý đầu tư công
Những vấn đề còn tồn tại nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần sửa đổi Luật Đầu tư công để tăng cường cơ chế quản lý đầu tư công trong cơ chế thị trường. Theo đó, luật cần áp dụng mạnh mẽ hơn các nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm cá nhân; lựa chọn và đánh giá dự án đầu tư công dựa trên các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường của dự án.
Bên cạnh đó, cần khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đầu tư công, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ những khó khăn cho các bộ, ngành và địa phương.
Ông Trần Quốc Phương cho biết, qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, đến nay, một số điều của luật đã có sự thống nhất giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: về phạm vi nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp khác của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.
Hiện nay, các ý kiến đều nhất trí coi nguồn vốn này là vốn đầu tư công nhưng quản lý theo trình tự riêng phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị, khác với việc quản lý vốn đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, ông Trần Quốc Phương cho biết, khái niệm nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách sẽ được nghiên cứu làm rõ thêm để quy định cho phù hợp.
Liên quan đến những nội dung chưa thống nhất của dự thảo luật, ông Trần Quốc Phương cho biết, có nhiều nội dung đang cần tiếp tục xin ý kiến như: việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C theo tiêu chí mức vốn, tiêu chí đối với dự án khẩn cấp, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư, thẩm quyền xem xét quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Còn theo PGS.TS. Trần Kim Chung, dự thảo Luật Đầu tư công phải sửa đổi thế nào để cấp xã cũng có thể hiểu được. “Quy trình thủ tục của luật phải dễ nghe, dễ nắm, dễ hiểu và dễ thực hiện. Luật Đầu tư công ra đời để thực hiện vai trò không loại trừ đầu tư tư nhân cũng như không được chèn ép đầu tư công. Luật Đầu tư công cần phải nêu rõ đầu tư cho hạ tầng là quan trọng nhất. Trong Luật Đầu tư công cần có chế tài đủ mạnh để quy xét trách nhiệm với người ra quyết định; đồng thời, cần nêu rõ vấn đề, ai quyết người đó chịu trách nhiệm.", PGS.TS. Trần Kim Chung cũng nhấn mạnh.
Để hạn chế đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, theo ông Trần Quốc Phương, cần phải xóa thủ tục phiền hà trong các khâu đầu tư công. Nói cách khác là xóa tận gốc tham nhũng, nhũng nhiễu có thể xảy ra trong quá trình đầu tư công.
Ngoài ra, nên xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong từng khâu của đầu tư công. Chẳng hạn khâu thẩm định, tổ chức thực hiện, chọn nhà thầu có lỗi thì phải chịu trách nhiệm chứ không được đổ lỗi cho người khác.
PGS. TS. Ngô Doãn Vịnh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, nên có chế tài để quản lý người ra quyết định, người có trách nhiệm cao nhất trong đầu tư công.
Từ góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Trần Quốc Phương cho rằng, đến hiện tại vẫn còn khoảng hơn 10.000 dự án đầu tư đang chờ quyết định. Điểm vướng của việc tồn đọng hàng nghìn dự án đó là do Luật Đầu tư công 2014 vẫn chưa xác định, ai là người quyết định duyệt dự án, cơ quan nào duyệt hạng mục đầu tư.
Ông Phương cho rằng, để duyệt chủ trương dự án cần phải xem xét nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn. “Tuy nhiên, việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như đối với một dự án 10 năm thì khả năng cân đối vốn mới chỉ xem xét được trong 5 năm. Để xem quyết định chủ trương đầu tư vốn lớn như vậy thì cần cơ quan nào có đủ thẩm quyền phê duyệt dự án quy mô lớn này”, ông Phương chỉ rõ.
Mặc dù, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhưng hầu hết các ý kiến đều kỳ vọng, Luật Luật Đầu tư công (sửa đổi) nếu được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ nâng cao được hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải trong đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công…