Nam Định: Tập trung gỡ vướng mắc, tạo đà phát triển kinh tế

Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nam Định khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra từ ngày 6 - 8/12 đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; đồng thời đề ra các giải pháp tạo đà cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân.

Chú thích ảnh
Chủ tọa kỳ họp HĐND tỉnh Nam Định khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: baonamdinh.com.vn

Giải quyết vấn đề thực tiễn

Các vấn đề phát sinh từ thực tiễn liên quan đến đời sống, sức khỏe, an toàn giao thông, tốc độ phát triển kinh tế, tiến độ, hiệu quả các dự án trọng điểm trên địa bàn được các đại biểu và cử tri trong tỉnh quan tâm, phản ánh. Cử tri mong muốn, đại diện cơ quan chức năng của tỉnh có giải pháp hữu hiệu giải quyết những mặt tồn tại, vướng mắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân.

Đại biểu huyện Ý Yên phản ánh, cử tri lo lắng về chất thải y tế nguy hại mới xử lý được trên 92% (chưa đạt 100%) có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Giải đáp thắc mắc của cử tri, ông Phan Văn Phong, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cho hay, chất thải y tế nguy hại chiếm khoảng 15% trong tổng số chất thải y tế. Theo lộ trình, đến năm 2025, Nam Định sẽ xử lý 100% chất thải y tế nguy hại. Hiện toàn bộ Bệnh viện Đa khoa cấp huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa của tỉn đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại.

Hiện nay, trạm y tế của một số xã chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong phân loại, xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải nguy hại. Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý chất thải ở các cơ sở y tế trên địa bàn.

Theo đại biểu huyện Trực Ninh, thực phẩm sạch, an toàn đang là câu chuyện nhận được sự quan tâm của cử tri trong tỉnh và toàn xã hội. Trả lời những ý kiến của cử tri, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Doãn Lâm cho biết: Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, tỉnh Nam Định đã có nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là sản xuất, chế biến nông sản thế mạnh của tỉnh; đồng thời triển khai xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp Nam Định.

Hiện cá bống bớp (huyện Nghĩa Hưng) và nước mắm Sa Châu (huyện Giao Thủy) đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là nhãn hiệu được sử dụng trên sản phẩm, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức tập thể đã được ghi nhận là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể nhằm mục đích phân biệt với sản phẩm, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức không phải là thành viên của tổ chức tập thể đó.

Nam Định đã có 35 cơ sở với 130 sản phẩm nông nghiệp được dán tem, có thể truy xuất nguồn gốc. Toàn tỉnh đã có hệ thống 20 cửa hàng phân phối thực phẩm sạch, an toàn. Thông qua Hiệp hội Nông sản sạch, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi đã liên kết, cung ứng sản phẩm cho các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn, người tiêu dùng có thêm các địa chỉ mua hàng chất lượng.

Tình trạng tai nạn giao thông được nhiều cử tri quan tâm, nhất là các “điểm đen” trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh tồn tại nhiều năm dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được cơ quan chức năng giải quyết triệt để là vấn đề được đại biểu HĐND các địa phương trong tỉnh đề cập.

Về nội dung này, ông Trần Văn Công, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định thừa nhận: Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bản tỉnh dài trên 41 km, đi qua các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định. Tuyến đường sắt song song với quốc lộ 21, quốc lộ 10 và đi qua nhiều khu dân cư nên phát sinh hàng trăm đường ngang do người dân tự mở qua đường sắt để phục vụ nhu cầu đi lại, buôn bán. Đây là một trong những nguyên nhân xảy ra những vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng.

Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương có đường sắt đi qua thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định an toàn giao thông, lấn chiếm hành lang đường sắt làm bãi tập kết vật liệu, kinh doanh buôn bán. Tỉnh và các đơn vị liên quan đã đầu tư làm rào chắn đường sắt với đường bộ; xây dựng đường gom dân sinh; lắp đặt biển cảnh báo; xây dựng gờ giảm tốc độ ở các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Nhờ đó, từ đầu năm đến tháng 12/2018 trên địa bàn xảy ra 8 vụ tai nạn, giảm 8 vụ so với năm 2017; chết 7 người, giảm 9 người so với cùng kỳ năm 2017…

Tập trung phát triển kinh tế

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Nam Định đã thảo luận, thông qua 21 tờ trình, đề án, nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, năm 2019, Nam Định phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) so với năm 2010 tăng 8,8% trở lên; giá trị xuất khẩu đạt từ 1,7 tỷ USD trở lên; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Nam Định tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm như: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Nình Bình; cầu Thịnh Long (Hải Hậu); các khu đô thị, khu dân cư tập trung các huyện. Tỉnh gấp rút hoàn thành thủ tục khởi công xây dựng tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, khu trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; dự án cải tạo, nâng cấp một số hạng mục quần thể lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh; phối hợp với nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục khởi công Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 tại huyện Hải Hậu.

Nam Định khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để tiếp tục đầu tư Bệnh viện Đa khoa quy mô 700 giường làm địa điểm di chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xuống cấp; hoàn thành các thủ tục khởi công xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu đô thị Dệt may giai đoạn II (thành phố Nam Định), khu đô thị Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc).

Bên cạnh đó, Nam Định huy động mọi nguồn lực, phấn đấu về đích nông thôn mới vào tháng 7/2019; nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo hướng bền vững tại các xã, huyện; triển khai thực hiện mô hình nông thôn mới huyện Hải Hậu kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp” phát triển bền vững giai đoạn 2018 - 2023.

Ngoài ra, tỉnh Nam Định tiếp tục thực hiện hiệu quả việc cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp. Tỉnh sẽ thành lập Trung tâm hành chính công với sự tham gia của nhiều sở, ngành; đẩy mạnh hoạt động cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh giúp người dân, doanh nghiệp được giải quyết thủ tục nhanh chóng, thuận tiện...

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, năm 2018, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 4.915 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 8,1%, cao nhất trong 3 năm 2016 - 2018.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)
HĐND Yên Bái thông qua 20 Nghị quyết, xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019
HĐND Yên Bái thông qua 20 Nghị quyết, xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019

Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, chiều 8/12, Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc kỳ họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN