Để đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đạt chất lượng, hiệu quả, các trường cần thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học.
Tăng cường nghiên cứu khoa học
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang Trần Trung Hiếu cho rằng, tăng cường nghiên cứu khoa học là hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy ở trường chính trị tỉnh hiện nay. Trước hết, giảng viên phải đề ra được mục tiêu, kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học cụ thể cho bản thân, từ đó không ngừng tìm tòi, quyết tâm, nỗ lực nghiên cứu để có những sản phẩm chất lượng.
Giảng viên phải biết tự tìm thầy cho mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nhà trường cần chủ động, tạo điều kiện để cán bộ tham gia các lớp tập huấn xây dựng định hướng nghiên cứu, đề cương nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để giảng viên trẻ được tham gia thực hiện đề tài cấp trường, cấp tỉnh với những người có bề dày, nhiều kinh nghiệm nghiên cứu.
Để hoạt động nghiên cứu khoa học đảm bảo đúng định hướng, đem lại hiệu quả, chất lượng cao, phục vụ tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng giảng dạy, tổng kết thực tiễn, các trường chính trị phải tăng cường công tác định hướng và công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, các trường chính trị tỉnh đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến các hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo Thạc sĩ Đỗ Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Cà Mau, việc giảng viên tích cực nghiên cứu khoa học, chủ động bổ sung, cập nhật kiến thức mới, linh hoạt trong thực hiện các phương pháp giảng dạy phù hợp đối tượng, đã nâng cao chất lượng dạy và học.
Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Duyên, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long nêu rõ, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người giảng viên cần nắm rõ, hiểu biết sâu bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải hiểu biết sâu sắc bản chất của cách mạng Việt Nam, quy luật của sự phát triển thì mới có cái nhìn toàn diện, nhận diện đúng đắn về các sự vật, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống. Từ đó giảng viên mới đạt được mục đích của việc giảng dạy lý luận chính trị, trang bị cho người học quan điểm đúng đắn và phương pháp biện chứng duy vật. Để nâng cao trình độ, ngoài kiến thức sâu, giảng viên cần thường xuyên cập nhật kiến thức, tiếp nhận thông tin mới để có thể giải đáp mọi thắc mắc của người học trước sự vận động, biến đổi không ngừng của xã hội.
Phương pháp giảng dạy tích cực kết hợp sử dụng các thiết bị công nghệ
Giảng viên Nguyễn Văn Tới, Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Phạm Hùng, tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, đổi mới phương pháp giảng dạy là vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng ở các trường chính trị tỉnh hiện nay. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy là chuyển trọng tâm từ phương pháp giảng dạy truyền thống - phương pháp thuyết trình một chiều sang phương pháp giảng dạy tích cực, thảo luận nhóm, nghiên cứu tình huống, sắm vai, đồng thời kết hợp sử dụng các thiết bị công nghệ nhằm phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo và nội lực của học viên.
Lãnh đạo nhà trường cần quán triệt sâu sắc đội ngũ giảng viên nhận thức việc đổi mới phương pháp giảng dạy là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ hệ trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường. Lãnh đạo nhà trường cần tăng cường tổ chức các hoạt động thao giảng, dự giờ cấp khoa, cấp trường hằng năm, qua đó nhận xét, đánh giá, góp ý để giảng viên ngày càng hoàn thiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Nghị, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh đề xuất cần rà soát, kiểm tra để biết số giảng viên chưa học tập về phương pháp giảng dạy hiện đại, chưa có chứng chỉ về phương pháp giảng dạy tại các trường chính trị tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Từ đó, các trường xây dựng kế hoạch đưa các giảng viên dự các lớp học, lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy hiện đại; có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho tất cả giảng viên nhằm từng bước chuẩn hóa và nâng cao trình độ về phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên.
Theo Thạc sĩ Trần Văn Cường, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang, để áp dụng tốt phương pháp dạy học tích cực, bên cạnh việc nắm vững kiến thức lý luận, cũng như việc chuẩn bị đủ các phương tiện hỗ trợ dạy học, giảng viên còn phải nắm vững các kiến thức liên quan, kinh nghiệm thực tiễn và làm chủ nội dung bài giảng, chủ động thoát ly giáo án, bình tĩnh, tự tin, sử dụng linh hoạt các phương pháp cho phù hợp với nội dung, với đối tượng lớp học.
Như vậy, việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực đối với giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh không chỉ là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong nhà trường, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Vấn đề áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực luôn được các trường chính trị tỉnh đặt ra trong chương trình, nhiệm vụ hằng năm, tuy nhiên, điều quan trọng nhất, giữ vai trò quyết định thành công vẫn là ở sự quyết tâm thực hiện của mỗi giảng viên.
Bài 3: Gắn lý luận với thực tiễn