Các Trường Chính trị tỉnh đều có mục đích cuối cùng là sau khi học tập, học viên vận dụng được lý luận vào thực tiễn. Chính vì vậy, việc đưa lý luận sát với thực tiễn, tránh "lý luận suông" đang được trường đặc biệt quan tâm.
Liên hệ tốt với thực tiễn
Hiện các Trường Chính trị tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang quyết tâm thực hiện giáo dục lý luận chính trị phải gắn chặt với yêu cầu nhiệm vụ của các cấp, các ngành và phát triển địa phương, cơ sở.
Thạc sĩ Lê Văn Tuyên, Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang cho biết, giảng viên nắm vững về kiến thức chuyên ngành giảng dạy và thường xuyên cập nhật, gắn kết với tình hình thực tiễn là hai nhân tố quan trọng giúp giảng viên soạn và trình bày giáo án giàu sức thuyết phục, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Để liên hệ tốt với tình hình thực tế, giảng viên phải phát huy tính tự giác trong bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, xem đó là mục tiêu, nhiệm vụ thiết thân. Vì nếu không có trau dồi, rèn luyện, học hỏi và cập nhật kiến thức, giảng viên sẽ không nắm được những vấn đề thời sự, sẽ làm hạn chế tình thời sự của bài giảng mà cụ thể hơn là chất lượng bài giảng sẽ thiếu tính thuyết phục.
Thạc sĩ Lê Phương Đông, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang cho rằng, việc đảm bảo tính gắn kết, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn đang được đặt ra như một yêu cầu, một nguyên tắc đặc biệt quan trọng và mang tính tất yếu khách quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy - đào tạo ở các trường chính trị tỉnh hiện nay.
Để nâng cao tính thực tiễn trong bài giảng lý luận chính trị, trước hết, giảng viên phải nắm vững các nội dung lý luận mà mình đảm nhiệm giảng dạy, để có sự lựa chọn đúng. Vì không phải tất cả các nội dung lý luận trong bài giảng đều cần có liên hệ thực tế, mà chỉ ở những vấn đề nào quan trọng, cần thiết nhấn mạnh, khó hiểu, hay muốn tăng thêm tính thuyết phục mới cần liên hệ thực tế.
Cùng với đó, giảng viên phải thường xuyên bám sát thực tiễn bằng việc kết hợp các phương thức khác nhau để tiếp cận với các hình thức, các mức độ thực tiễn như gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, hội viên, người dân; tham quan các mô hình lao động sản xuất, để có thực tiễn trực tiếp sinh động, thời sự; khai thác thông tin các phương tiện truyền thông để có thực tiễn đa chiều, rộng lớn đã được chọn lọc, phân tích.
Tăng cường nghiên cứu thực tế
Theo Thạc sĩ Võ Văn Lực, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Châu Văn Đặng, tỉnh Bạc Liêu, giảng viên phải chủ động lập kế hoạch đi nghiên cứu thực tế cơ sở, trau dồi kiến thức thực tiễn làm cho nội dung bài giảng mang tính thiết thực hơn. Cùng với đó, cần tích cực trao đổi với đồng nghiệp, cần thiết đưa các vấn đề tranh luận ra trước hội đồng khoa học của trường để bàn bạc, đi đến thống nhất các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, làm rõ các vấn đề mới về mặt lý luận trên cơ sở khoa học, khách quan.
Tiến sĩ Trần Thanh Sang, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng chỉ rõ, hạn chế mang tính phổ biến của đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ là tích lũy vốn sống thực tiễn còn ít, khô han, đặc biệt là thực tiễn ngoài nước, trong nước, tình hình các địa phương, trong tỉnh, trong ngành... dẫn đến tình trạng giảng suông, giảng chay, liên hệ thực tiễn một cách máy móc, một chiều, ít thuyết phụ được người học.
Để thực hiện tốt công tác nghiên cứu thực tế cho đội ngũ giảng viên trẻ các trường chính trị tỉnh hiện nay, theo Thạc sĩ Lê Minh Đông, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Cà Mau cần thông qua các hoạt động đi nghiên cứu thực tế. Đó là đi khảo sát, điều tra, tìm hiểu, nắm bắt những thông tin phản ánh từ cán bộ, nghe báo cáo và các đề xuất, kiến nghị của địa phương. Từ thực tiễn sinh động, trực quan giúp cho giảng viên khắc phục được tình trạng lý luận suông.
Thạc sĩ Dương Thị Hoàng Phúc, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang cho biết, hằng năm, giảng viên khoa, phòng tùy theo yêu cầu chuyên môn của mình sẽ đăng ký chủ đề nghiên cứu nhằm tiếp cận thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung vào bài giảng.
Nghiên cứu thực tế là một trong những nhiệm vụ chính của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang. Từ việc thực hiện nghiên cứu thực tế tốt, giảng viên có kinh nghiệm kiến thức thực tiễn, góp phần thực hiện phương châm giảng dạy lý luận gắn với thực tiễn.
Mục đích cuối cùng của quá trình đào tạo cán bộ lý luận chính trị là để cho học viên vận dụng lý luận vào thực tiễn, học phải đi đôi với hành. Từ đó, học viên có thể đem những điều mình đã học để xây dựng phong trào, tổ chức vận động quần chúng thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Hành chính khu vực IV cho rằng với những đổi mới, quyết tâm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, các trường chính trị tỉnh góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành có tri thức, có năng lực hoạt động thực tiễn, vững vàng về chính trị, có khả năng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động trong tình hình mới.