Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Nguyên và Phú Yên dự hội nghị.
Các ý kiến tham luận tại hội nghị tập trung trao đổi các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân, tại các phiên họp thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cũng như các giải pháp đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, thời gian qua, bên cạnh nhiều cách làm hay, việc triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong hoạt động chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít, chưa khắc phục được tình trạng thành phần tham dự chủ yếu là cán bộ xã, thôn, khu phố. Việc giải quyết kiến nghị cử tri của một số đơn vị có lúc còn chậm. Nội dung chất vấn chưa phản ánh hết bức xúc trong đời sống xã hội, chất lượng còn hạn chế; vẫn còn tình trạng người trả lời còn chung chung, né tránh trách nhiệm...
Mặt khác, còn một số bất cập trong thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương như: quy định thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có 2 người là chưa hợp lý; Quy định không thành lập tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; Quy trình, thủ tục, hồ sơ miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn chưa được quy định cụ thể; Luật cũng chưa quy định cụ thể về những vấn đề nào Hội đồng nhân dân có thể ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định giữa hai kỳ họp....
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong hoạt động. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chủ động, tích cực bám sát nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nghị quyết chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, thành phố, triển khai đồng bộ, hiệu quả sát hợp điều kiện từng tỉnh, thành. Đồng thời, cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của thường trực Hội đồng nhân dân, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân. Mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân cần tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên tự nâng cao trình độ, rèn kỹ năng hiểu biết.
Hội đồng nhân dân các tỉnh cũng phải quan tâm tiếp tục đổi mới hơn phương thức hoạt động, thực hiện linh hoạt, có hiệu quả các hình thức giám sát; kết hợp giữa giám sát nghe báo cáo và tổ chức giám sát trực tiếp, khảo sát, nắm tình hình. Tiếp tục đổi mới về nội dung chất vấn. Về cơ cấu, thành phần đoàn giám sát cần bảo đảm sự hợp lý, tinh gọn; phối hợp tốt giữa Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Tích cực theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền; mở rộng thành phần, đối tượng tham gia tiếp xúc cử tri theo hướng đa dạng, đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích các quy định của pháp luật để cử tri biết và sắp xếp nội dung phản ảnh, kiến nghị.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự kiến dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, do đó, đề nghị Hội đồng nhân dân các tỉnh khẩn trương rà soát, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong các nhiệm kỳ tiếp theo có đầy đủ cơ sở pháp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại Hội nghị, thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã giao Cờ đăng cai tổ chức hội nghị thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 7 cho tỉnh Hà Nam.