Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã tham dự.
Ngày 31/3/1961, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 16-NQ/TW “Về tổ chức Đảng ngoài nước”, quyết định thành lập ở mỗi nước một đảng bộ nằm trong cơ quan đại diện, trong nước thành lập cơ quan giúp Trung ương chỉ đạo, quản lý các tổ chức đảng ở ngoài nước, đặt tên là Ban Cán sự Đảng ngoài nước. Từ đó, hệ thống tổ chức đảng ở ngoài nước được hình thành và phát triển. Ngày 31/3 hàng năm đã trở thành Ngày Truyền thống của công tác Đảng ngoài nước. Trong suốt chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, công tác Đảng ngoài nước luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương; trở thành hệ thống hoàn chỉnh, là bộ phận không thể tách rời trong hệ thống tổ chức của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt của Trung ương từ trong nước ra ngoài nước.
Tại buổi gặp mặt, ôn lại quá trình hình thành và phát triển của công tác Đảng ngoài nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh biểu dương, ghi nhận những thành tích đã đạt được trong công tác xây dựng Đảng ngoài nước. Đồng chí nhấn mạnh, dấu mốc 60 năm đánh dấu một bước chuyển mới sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 209-QĐ/TW ngày 26/11/2019 của Bộ Chính trị về hợp nhất Đảng bộ Ngoài nước với Đảng bộ Bộ Ngoại giao.
Theo đồng chí Phạm Bình Minh, việc gắn công tác xây dựng Đảng của các tổ chức đảng ở ngoài nước với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đối ngoại xuất phát từ tầm quan trọng của hai công tác này, huy động được nguồn lực đối ngoại cho công tác Đảng, đưa công tác Đảng ngoài nước lên ngang tầm nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ của Đảng ủy Bộ Ngoại giao nói chung, cán bộ làm công tác Đảng ngoài nước nói riêng, tuy nặng nề hơn nhưng cũng vinh dự hơn.
Đại hội Đảng XIII đã xác định cần "tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân". Do đó, để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ này, yêu cầu đối với công tác đối ngoại và công tác Đảng ngoài nước sẽ ngày càng cao hơn.
Đồng chí Phạm Bình Minh đề nghị công tác Đảng ngoài nước thời gian tới cần có sự đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, tập trung vào thống nhất nhận thức việc triển khai hiệu quả công tác Đảng ngoài nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Ngoại giao. Nội dung về công tác Đảng ngoài nước cần được cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch công tác của Ban Cán sự đảng, Đảng bộ Bộ, các đảng bộ/chi bộ nước tại các địa bàn. Đồng thời, cần có sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên đối với công tác Đảng ngoài nước.
Cùng với đó, từ góc độ các địa bàn cũng như từ góc độ ngành Ngoại giao, chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu về các vấn đề liên quan đến xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng cần không ngừng được nâng cao; kiến nghị giải pháp cải tiến công tác Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập, sinh sống trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đồng chí Phạm Bình Minh đề nghị cần rà soát toàn diện các cơ chế, quy trình trong công tác Đảng ngoài nước để từng bước chuẩn hóa; xây dựng các cơ chế, quy trình mới phù hợp, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng ngoài nước, cả ở trong nước cũng như tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần được nâng cao năng lực. Mỗi cán bộ làm công tác Đảng ngoài nước cũng đồng thời là cán bộ đối ngoại, do đó, cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng nghiệp vụ đối ngoại.
Trong công tác Đảng ngoài nước, Bộ trưởng cũng cho rằng, ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực tham mưu, cần chú trọng thỏa đáng đến công tác xây dựng và phát triển Đảng. Theo đó, mỗi Cơ quan đại diện nói chung và cán bộ làm công tác Đảng ngoài nước nói riêng cần chủ động, tích cực tìm kiếm, phát hiện những quần chúng ưu tú ở nước ngoài để có kế hoạch bồi dưỡng, hướng dẫn, kết nạp vào Đảng, từ đó góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
Trong khuôn khổ Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác Đảng ngoài nước trong giai đoạn hiện nay” diễn ra ngay sau lễ kỷ niệm, các đại biểu tham dự đã trình bày tham luận, chia sẻ suy nghĩ, những bài học kinh nghiệm quý báu và gợi mở những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng ngoài nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng hiện nay.
Tọa đàm đã đưa ra 6 nhóm vấn đề cần quan tâm trong công tác xây dựng Đảng ngoài nước thời gian tới: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tổ chức xây dựng Đảng và phương thức quản lý đảng viên, công tác quần chúng và bảo vệ chính trị nội bộ, công tác nghiên cứu tham mưu và vấn đề tổ chức bộ máy, con người, nguồn lực để triển khai công tác Đảng ngoài nước. Đây là những vấn đề đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới căn bản và toàn diện, phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hiện nay.
Thay mặt Đảng ủy Bộ Ngoại giao, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực, Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao cảm ơn, tin tưởng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành; sự trông đợi, kỳ vọng của các thế hệ cán bộ làm công tác Đảng ngoài nước cùng quyết tâm, nỗ lực và hành động quyết liệt, Đảng ủy Bộ Ngoại giao sẽ hoàn thành nhiệm vụ được Trung ương giao phó, xây dựng Đảng bộ Bộ Ngoại giao trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó, xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.