Điểm mới về công tác tư tưởng
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư tưởng.
Cụ thể, Văn kiện đã xác định mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo cơ bản, trong đó: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Từ các quan điểm chỉ đạo nói trên, Văn kiện đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là: “Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.
Về công tác tư tưởng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra nhiều điểm mới về nội dung, bám sát thực tiễn và tập trung giải quyết những hạn chế, bất cập của công tác tư tưởng trong nhiệm kỳ Đại hội XII; bổ sung mặt hạn chế: “Công tác tư tưởng có nơi, có lúc chưa thực sự được cấp ủy coi trọng, chưa kịp thời, thiếu thuyết phục”.
Văn kiện Đại hội XIII sử dụng thuật ngữ “công tác tư tưởng” thay cho thuật ngữ “công tác tư tưởng, lý luận” được dùng trong văn kiện của các đại hội trước. Đây là một bước tiến mới về mặt lý luận đối với công tác tư tưởng. Theo đó, Đảng quyết định rằng công tác lý luận là một bộ phận của công tác tư tưởng.
Theo Văn kiện Đại hội XIII, để thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản, công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị giữ vai trò vô cùng quan trọng. Bởi chỉ trên cơ sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng mới có sự kiên định trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, sự kiên định phải đi đôi với việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là một vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị - một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng.
"Xây” đi liền với “chống”
Việc xây dựng và chỉnh đốn luôn song hành với nhau trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong công tác tư tưởng. Một trong những quan điểm mang tính chỉ đạo xuyên suốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay là phải kết hợp chặt chẽ giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”.
Nghị quyết số 35-NQ/TW (ngày 22/10/2018) của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nêu rõ: "Gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", xây là cơ bản, chống phải quyết liệt, hiệu quả".
"Xây" là giải pháp tập trung vào bên trong chủ thể còn “chống" là sự hướng vào việc ngăn chặn những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, “xây” là những biện pháp tiếp tục phát huy những giá trị đã có, những ưu thế đang tồn tại để hướng tới mục tiêu củng cố tổ chức Đảng ngày càng ổn định, vững mạnh và phát triển; “chống” là toàn bộ phương thức ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, làm thất bại mọi hoạt động làm phương hại đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Từ tháng 10/2018 trở về trước, Đảng ta chủ trương tập trung vào nhiệm vụ “chống âm mưu diễn biến hòa bình” - đối tượng hướng tới là thế lực thù địch bên ngoài. Khi Nghị quyết số 35-NQ/TW đặt ra mối quan hệ giữa “bảo vệ” với "đấu tranh", việc "chống" không chỉ diễn ra bên ngoài mà cả ở bên trong. Có nghĩa là trong khi bảo vệ Đảng trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đồng thời cũng bảo vệ lý tưởng của Đảng trước sự thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, nhiệm vụ "đấu tranh" không chỉ diễn ra ở bên ngoài mà còn diễn ra ở bên trong - cuộc đấu tranh của Đảng trước những khuyết điểm, hạn chế đang tồn tại trong nội bộ.
“Chống” và “xây” tuy nhằm vào các đối tượng khác nhau nhưng đều chung một mục đích; không tách biệt, đối lập mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động, hỗ trợ lẫn nhau. "Chống" để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vững chắc hơn, "xây" để Đảng mạnh hơn, chắc chắn, vững vàng trước mọi sự xuyên tạc, phá hoại của các phần tử bất mãn, cơ hội, tiêu cực.
Hơn nữa, việc "chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa", chống phai nhạt lý tưởng, bè phái trong Đảng thực chất là một phần của việc "xây". Bởi lẽ, muốn xây dựng Đảng mạnh thì bắt buộc phải ngăn chặn, đẩy lùi được các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa - "chống" là quá trình bắt buộc để "xây" hiệu quả hơn. Ngược lại, khi “xây” có kết quả và những biểu hiện tiêu cực, suy thoái giảm, việc "chống" ở bên trong sẽ thuận lợi hơn.
Vấn đề sống còn của Đảng, thể chế
Cuộc đấu tranh chống lại nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhận thức cán bộ, đảng viên về lâu dài có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nhắc đến chính thức trong Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đại hội XIII của Đảng và mới đây nhất là Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là sự suy thoái từ bên trong; là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người đảng viên, dẫn đến xa rời những nguyên tắc, quan điểm Mác xít; suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Tự chuyển hóa”là hệ quả tất yếu, sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, là quá trình biến đổi về chất các quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một tổ chức và cá nhân. “Tự chuyển hóa” chính là quá trình thay đổi về chất trong quan điểm, tư tưởng, phẩm chất và hành động của chủ thể.
“Tự chuyển hóa” là cấp độ cao hơn của quá trình “tự diễn biến,” là biểu hiện sự thay đổi về chất của quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống khiến cho cán bộ, đảng viên đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu, thậm chí làm những việc đi ngược lại Điều lệ Đảng và lợi ích dân tộc.
Khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, triệt tiêu, tư tưởng tiêu cực tăng dần, thắng thế sẽ dẫn đến sự “tự chuyển hóa” cán bộ, đảng viên từ người tốt trở thành phần tử chống đối Đảng, Nhà nước. Sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cá nhân nếu không được ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến tổ chức bị suy thoái, tự tan rã. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự an nguy của Đảng, của chế độ.
Theo Tiến sỹ Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều mức độ khác nhau. Nguy cơ trước hết và trọng tâm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn là trong lĩnh vực tư tưởng - chính trị. Nếu lĩnh vực tư tưởng -chính trị bất ổn, các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... sẽ khó có khả năng và điều kiện phát triển lành mạnh. Khi tư tưởng - chính trị bị chệch hướng, bộ máy của Đảng và Nhà nước bị chia rẽ, nguy cơ sụp đổ của thể chế chính trị là điều khó tránh khỏi.
"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" diễn ra lặng lẽ trong nhận thức của các cá nhân, tổ chức. Căn bệnh nguy hiểm này phụ thuộc vào sức đề kháng của từng cán bộ, đảng viên trước sự ô nhiễm của môi trường xung quanh, mức độ vững vàng về chính trị và độ thanh liêm về đạo đức, lối sống.
Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị khẳng định: Sự suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm.