Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ và ý thức tham gia giao thông

Năm 2012, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng phấn khởi.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã trả lời phóng viên TTXVN về kết quả năm 2012 và nhiệm vụ của năm 2013.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.


Phóng viên: Xin Phó Thủ tướng đánh giá năm an toàn giao thông quốc gia 2012?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Năm An toàn giao thông 2012, nhờ có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân, với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tai nạn giao thông đã giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí, số vụ giảm gần 17 % , số người chết giảm 14%, số người bị thương giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội đã có nhiều tiến bộ, số vụ ùn tắc giao thông đã giảm 46%.

Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu quan trọng. Tình hình trật tự an toàn giao thông nhìn chung vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản vẫn còn ở mức cao. Do vậy, tính bền vững vẫn là một thách thức lớn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Phóng viên:
Phó Thủ tướng hãy cho biết chiến lược giao thông quốc gia trong thời gian tới để bảo vệ những con số đã đạt được và tiếp tục giảm thiểu số người tử vong vì tai nạn giao thông?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Như tôi đã nói, những kết quả đạt được trong năm 2012 mới chỉ là bước đầu. Để duy trì kết quả đạt được, đặc biệt là tiếp tục giảm thiểu số người tử vong, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt những giải pháp cấp bách và lâu dài trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tôi nêu một số việc phải làm là:

Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; góp phần xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông.

Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, chú trọng xã hội hóa nguồn lực nhằm tăng nguồn kinh phí, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trước mắt, tiếp tục duy tu, bảo dưỡng đảm bảo khai thác hiệu quả, an toàn hệ thống hạ tầng hiện có, tổ chức tốt giao thông tại các tuyến đường, đẩy nhanh việc triển khai các công trình giao thông chậm tiến độ đã đề ra.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông của lực lượng công an, thanh tra giao thông và nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng này trong công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Chính quyền các địa phương cần tích cực chỉ đạo công tác xử lý hành vi vi phạm. Xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; công tác đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch về giao thông đã được phê duyệt

Nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Bảo đảm chất lượng công tác đăng kiểm, đặc biệt đối với phương tiện cơ giới đường bộ.

Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó tập trung vào một số giải pháp như trên, tôi tin rằng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm 2013 và các năm tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần đem lại cuộc sống an toàn, vui vẻ cho mọi người dân.

Phóng viên: Vậy mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2013 được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xác định là gì thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chủ đề an toàn giao thông năm 2013 được xác định là Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xác định trong năm nay cần tiếp tục phấn đấu, hoàn thành các mục tiêu là:

Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Cũng cần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Cần tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Phấn đấu tiếp tục giảm 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông.

Để đạt được các mục tiêu này, chúng tôi cũng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông.

Cần phải tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, tiếp tục thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong lực lượng chức năng khi thực thi công vụ.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: quản lý việc đào tạo, sát hạch lái xe; đăng kiểm phương tiện giao thông; quản lý hoạt động vận tải; tổ chức giao thông.

Nhân rộng các giải pháp đột phá về khắc phục ùn tắc giao thông được thực hiện thành công tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới. Đầu tư thêm các cầu vượt nhẹ trong nội thành.

Đây là những nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta cần quyết liệt thực hiện để phấn đấu duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an toàn giao thông đã đạt được trong năm qua.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!




Thiện Thuật (Thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN