Với phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cơ bản nêu đầy đủ các con số, hiện trạng dự án và phương hướng giải quyết, song chưa thực sự làm hài lòng đa số đại biểu Quốc hội; nhất là chưa đáp ứng được nguyện vọng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu dự án, tiến độ xử lý sai phạm, các giải pháp cụ thể để nhanh chóng kết thúc sự việc này. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội về các vấn đề này.
Đại biểu đánh giá như thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong việc xử lý yếu kém tại 12 dự án thua lỗ kéo dài tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV?
Chuyện thua lỗ ở 12 dự án của ngành công thương đã được đề cập tới ít nhất qua 3 kỳ họp Quốc hội. Phải thừa nhận, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương đã rất quyết liệt giải quyết vấn đề này. Đến giờ đã có 2 dự án "thoát" lỗ, 3 dự án bắt đầu giảm lỗ, những dự án, doanh nghiệp còn lại thì tình trạng vẫn rất nặng nề.
Với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nếu đang ở Kỳ họp thứ 3, thứ 4 còn có thể chấp nhận được. Nhưng đến bây giờ đã là Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn trả lời như vậy, thì cá nhân tôi và tuyệt đại đa số cử tri chắc chắn không hài lòng.
Ở Kỳ họp thứ 4, chính tôi đã chất vấn Bộ trưởng về điều này và tạm hài lòng về cách trả lời, nhưng đến kỳ họp này mà vẫn chưa có gì mới thì phải đặt câu hỏi. Vẫn nhịp điệu ấy cứ trả lời đi trả lời lại. Thực sự không thuyết phục. Bởi, thiệt hại từ những dự án này rất lớn. Nếu chỉ cần vay ngân hàng để trả lãi cũng là quá lớn; trong đó mỗi dự án ít cũng phải 4.000 đến 5.000 tỷ đồng; có dự án tới chục nghìn tỷ đồng. Vậy lấy gì bù đắp được. Nhất là khi hầu hết đều là vốn vay. Dự án lấy tiền của nhân dân ra để làm, bây giờ để đắp chiếu như vậy theo tôi là không được.
Như báo cáo thì còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý các dự án nêu trên, thưa đại biểu?
Đúng là có rất nhiều vướng mắc, tồn đọng để lại; thậm chí, là hậu quả từ những nhiệm kỳ trước. Trong những vấn đề tồn đọng thì vướng mắc lớn nhất là với các nhà thầu; kể cả với các nhà thầu quốc tế như dự án Gang thép Thái Nguyên. Nhưng tôi thấy rằng, cách xử lý hiện tại cũng còn nhiều vấn đề. Cụ thể như quy định không sử dụng vốn Nhà nước để giải quyết những vấn đề tồn đọng này. Về lý thuyết thì đúng như vậy. Nhưng thử hỏi, trong những dự án này mà Nhà nước không quyết liệt thì làm sao có thể giải quyết được.
Ai cũng hiểu rằng, khi muốn cổ phần hóa thì dự án và doanh nghiệp phải ở tình trạng ăn nên làm ra, mới có người mua. Nếu đang thua lỗ thì ai mua. Do đó, cứ giải trình trên diễn đàn thì hay nhưng tôi thấy trên thực tế là không khả thi. Sẽ khó có cá nhân hay đại công ty, tập đoàn lớn bỏ tiền ra mua một công ty "chết".
Tôi cho rằng sự việc đã vượt ra khỏi tầm của Bộ trưởng. Có lẽ, nên chấm dứt câu chuyện này với thái độ quyết liệt hơn, rõ ràng hơn và dứt khoát.
Như đã nói, từ Kỳ họp thứ 4, đại biểu đã đặt vấn đề về 12 dự án thua lỗ của ngành công thương. Vậy với quan điểm cá nhân, theo đại biểu, giải pháp nào còn chưa được quan tâm để khắc phục vấn đề này?
Tôi thấy phải tìm ngay và tìm cho được những giám đốc mới; những người đủ năng lực điều hành các dự án, doanh nghiệp nói trên. Đó phải là những người giỏi, có kinh nghiệm và quản lý tốt dự án mới mong xoay chuyển được tình hình. Trong khó khăn, nếu tìm được người điều hành tốt thì vẫn còn hy vọng.
Nói gì thì nói, những dự án nêu trên vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội. Nhưng vì thiếu những người giỏi làm việc này. Nếu cần thiết, cũng phải rời đổi những người không đủ năng lực, để thay bằng những người giỏi để phụ trách các dự án kể trên.
Thêm nữa, Thủ tướng Chính phủ cũng cần vào cuộc, nếu có khó khăn gì phải tháo gỡ ngay. Đặc biệt là khó khăn về quan hệ quốc tế hay vấn đề vốn, cổ phần hóa… Cùng với đó, phải tìm ngay những người giỏi, trân trọng họ. Thậm chí, mời các chuyên gia nước ngoài nếu là giám đốc ban quản lý dự án. Tôi cảm thấy đây là lỗ hổng đang bị quên lãng.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!