Tại cuộc tiếp xúc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Cần Thơ, đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã báo cáo tóm tắt tới cử tri và nhân dân về kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV; hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Sau khi nghe 9 ý kiến phát biểu của cử tri, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đã giải đáp về một số chủ trương, chính sách tại Phong Điền, trong đó có việc xây dựng bờ kè sông chống sạt lở, hướng phát triển huyện Phong Điền thành khu đô thị du lịch trong tương lai…
Ghi nhận các kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Trường Long là một xã lớn, chiếm 1/4 diện tích huyện Phong Điền, là xã Anh hùng, có nhiều gia đình có công với cách mạng.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhận xét các ý kiến của cử tri tại Trường Long là rất thiết thực, tập trung vào những vấn đề chung, cho cộng đồng dân cư, có ý kiến mang tính bao quát cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mong muốn của nhân dân sớm có cây cầu Vàm Xáng (tại xã Nhơn Nghĩa), góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phong Điền theo hướng đô thị sinh thái nói riêng và thành phố Cần Thơ nói chung đã được các cấp ghi nhận.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thành phố Cần Thơ cần nghiên cứu sớm, chỉ đạo công tác khảo sát xây dựng dự án, có rồi đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn; nhấn mạnh việc này cần tuân thủ theo Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019).
Cử tri Phạm Văn Tư, xã Trường Long nêu ý kiến liên quan sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu. Hiện nay một bộ phận người sản xuất nói chung, Phong Điền nói riêng, muốn liên kết sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu nhưng nông dân chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, còn tự phát chạy theo nhu cầu thị trường, từ đó giá trị gia tăng chưa cao.
Đánh giá cao ý kiến này của cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là mong muốn chính đáng. Sản phẩm nông nghiệp làm ra nhiều khi giá cả còn bấp bênh, chưa gắn thị trường nên đời sống người trực tiếp sản xuất còn khó khăn. Doanh nghiệp và người dân chưa tìm ra tiếng nói chung.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Luật Hợp tác xã. Hợp tác xã là mô hình liên kết kinh tế, do các thành viên tự nguyện hợp tác nhằm tương trợ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ.
Đồng tình với việc hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp được làm ra ngon và tốt nhưng chưa mang lại thu nhập cao đối với người sản xuất, trong khi tại siêu thị hay các thành phố lớn, giá sản phẩm bán đến tay người tiêu dùng lại cao, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: "Vậy đâu là nguyên nhân? Rõ ràng là nông dân chưa làm chủ được thị trường, khâu hưởng lợi nhất không phải là nông dân sản xuất". Chủ tịch Quốc hội cho rằng, liên kết lại từ việc cung ứng dịch vụ, vật tư đầu vào, giống, kỹ thuật… rồi khi sản phẩm làm ra có địa chỉ tiêu thụ thì chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ cao.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Luật Hợp tác xã được địa phương nghiên cứu cụ thể, đem ra để nhân dân bàn bạc, để khi đi vào thực hiện, làm sao tránh bị tư thương ép giá, người sản xuất có lãi hơn, từ đó sản xuất nông nghiệp sẽ phát triển bền vững hơn.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu chính sách về kinh tế hợp tác xem đã đầy đủ chưa, người dân đã được tiếp cận và được hưởng lợi như thế nào.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến của cử tri Cao Thành Công, xã Trường Long, cho rằng trong quản lý giao thông đường bộ, cơ quan chức năng nên mạnh dạn phân cấp, tuyến Quốc lộ đi qua tỉnh, thành phố nào thì giao tỉnh, thành phố đó quản lý.
Từ đó, khi cần bảo trì thì địa phương này có trách nhiệm hơn. Tương tự, tỉnh lộ đi qua địa phương nào thì địa phương đó quản lý để có những sửa chữa kịp thời khi có “ổ gà” trên đường, tránh tình trạng thành “ổ voi” do mất nhiều thời gian chờ cơ quan chủ quản xử lý như hiện nay. Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu ý kiến cử tri để hoàn thiện, quy định hợp lý hơn.
Chia sẻ với các ý kiến cử tri về vấn đề phá rừng, khai thác tài nguyên trái pháp luật, gây bức xúc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, pháp luật về bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản đã được Nhà nước ban hành, có chế tài xử phạt rõ ràng.
Tuy nhiên, trong thực tế còn xảy ra nạn phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép. Trong khi đó, công tác quản lý rừng, tài nguyên đất nước gắn với từng địa phương. Do đó, chính quyền địa phương và nhân dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giám sát để những hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên được ngăn chặn kịp thời.
Trước ý kiến cử tri cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng, chế tài xử lý cần mạnh mẽ hơn để có tính răn đe cao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ý kiến của cử tri là rất xác đáng và đúng đắn. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng tại Kỳ họp thứ 6, trong đó có quy định để người dân tham gia giám sát, có biện pháp bảo vệ cũng như khen thưởng đối với người dân tham gia tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng. Cơ chế phòng chống tham nhũng trong Luật đã được quy định cụ thể, mở rộng phạm vi, chế tài mạnh hơn. Cùng với đó, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước cũng có quy định nhằm trách tình trạng lạm dụng...
Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri cũng đánh giá cao tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thực hiện đổi mới chất vấn, với việc hỏi nhanh, đáp gọn, tạo hấp dẫn đối với cử tri khi theo dõi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát của Quốc hội; qua đây đã thể hiện bản lĩnh, năng lực, trình độ, khả năng quyết đoán của từng thành viên Chính phủ.
Quốc hội đã ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ thực hiện việc chất vấn hai lần (vào giữa và cuối kỳ) theo hình thức trên, còn lại Quốc hội sẽ chọn những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm để mời các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp.
Ghi nhận ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới hình thức chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian tới.