Nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động

Sáng 26/10, sau khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát Cơ động, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; nhấn mạnh tới việc hoàn thiện dự thảo Luật chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ với các lực lượng khác.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Cảnh sát Cơ động, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tham gia và hoàn thiện dự thảo Luật. Bộ Công an sẽ rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; huy động người, phương tiện, thiết bị, hợp tác quốc tế của Cảnh sát Cơ động và các nội dung khác chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo về nhiệm vụ với các lực lượng khác.

Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, với vị trí chức năng thuộc lực lượng Công an nhân dân nên phạm vi hoạt động của Cảnh sát Cơ động là thực hiện các quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Theo đó, Cảnh sát Cơ động căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, điều động cấp có thẩm quyền triển khai lực lượng, kịp thời xử lý những vụ việc, tình huống phức tạp về an ninh - trật tự có thể xảy ra bất kỳ địa bàn nào trong phạm vi toàn quốc. Thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng (giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia như tụ tập đông người, gây rối an ninh - trật tự, biểu tình, bạo loạn, đấu tranh triệt phá các tụ điểm, các bang ổ nhóm tội phạm trật tự an toàn xã hội của cảnh sát cơ động) cho thấy, các vụ việc không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm mà còn xảy ra ở các tỉnh miền núi, biên giới, đặc biệt có những vụ việc xảy ra lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. 

Về nhiệm vụ cảnh sát cơ động, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trên cơ sở kế thừa các quy định phù hợp với pháp luật, dự thảo bổ sung những nhiệm vụ cảnh sát cơ động đang thực hiện theo quy định trong các quyết định của Bộ Công an. Để đảm bảo tính ổn định, nâng cao hiệu quả hiệu lực thực thi, dự thảo luật xác định 7 nhóm nhiệm vụ cảnh sát cơ động, trong đó bao gồm nhiệm vụ chủ trì, phối hợp để đảm bảo cơ sở pháp lý, điều động, sử dụng lực lượng. Vì trong quá trình ra quân thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát Cơ động đã tác chiến theo lộ trình, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẽ tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người có hành vi vi phạm pháp luật. Bộ Công an sẽ xem xét ý kiến của đại biểu Quốc hội về quy định nhiệm vụ Cảnh sát Cơ động tại dự thảo luật.

Về quyền hạn “ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay, Cảnh sát Cơ động ở Trung ương và các địa phương được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa-xã hội trên phạm vi toàn quốc theo danh mục do Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, Cảnh sát Cơ động được giao nhiệm vụ bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, các sự kiện quốc tế tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể đối với việc xử lý các phương tiện bay không người lái khi xâm phạm mục tiêu do Cảnh sát Cơ động bảo vệ. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, các phương tiện bay được sử dụng rất rộng rãi trong các lĩnh vực đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ, nguy hại đối với an ninh quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh trật tự nói chung, an toàn các mục tiêu do Cảnh sát Cơ động bảo vệ nói riêng. Do vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát Cơ động trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm các mục tiêu; đảm bảo tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao phụ trách, canh gác, bảo vệ, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, cần được quyết định thẩm quyền cho lực lượng Cảnh sát Cơ động tại dự thảo luật.

Trên tinh thần tiếp thu các ý kiến phát biểu về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động, Bộ Công an sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng, An ninh Quốc hội nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, tháng 5/2021 theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Theo kế hoạch, trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận.

Diệp Trương (TTXVN)
Tổng Thư ký Quốc hội: Sẽ có 4 bộ trưởng, trưởng ngành tham gia chất vấn và trả lời chất vấn
Tổng Thư ký Quốc hội: Sẽ có 4 bộ trưởng, trưởng ngành tham gia chất vấn và trả lời chất vấn

Sáng 26/10, bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Sau khi Thường vụ Quốc hội họp và thống nhất lên danh sách 5 Bộ trưởng, trưởng ngành tương ứng với những vấn đề nóng được cử tri và nhân dân quan tâm, Thường vụ Quốc hội sẽ trình ra Quốc hội để đại biểu Quốc hội bỏ phiếu chọn ra 4 Bộ trưởng, trưởng ngành theo tỷ lệ số phiếu từ cao xuống thấp để Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN