Hiện nay trên mạng xã hội và báo chí một số nước phương Tây đã xuất hiện những luận điểm gắn Luật An ninh mạng ((Luật ANM) với vấn đề nhân quyền tại nước ta.
Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là luật ANM không phải “đặc sản” của riêng Việt Nam mà có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng luật ANM với các tên gọi khác nhau. Và mục đích chung là bảo đảm hoạt động trên không gian internet không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cũng như cá nhân người sử dụng mạng.
Trên thế giới ANM đang là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hoạt động tội phạm mạng toàn cầu ngày càng gia tăng. Tội phạm mạng có thể là sự lừa đảo trên internet, đưa virus máy tính vào hệ thống máy tính của những cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Đó là hành vi ăn cắp thông tin tài khoản và mật khẩu người sử dụng mạng. Đó là còn là sự bịa đặt và chia sẻ tin tức giả, bôi nhọ những cá nhân, tập thể, tầng lớp xã hội hay cao hơn là cả một quốc gia, dân tộc…
Tại Mỹ vấn đề ANM rất được chú trọng. Ngày 27/10/2015 Thượng viện Mỹ đã thông qua dự Luật Chia sẻ Thông tin An ninh mạng (CISA) nhằm tạo hệ thống phòng thủ vững chắc trên không gian mạng. Mới đây Chính phủ Mỹ còn ban hành một số quy định mới về ANM, sửa đổi các quy định cũ nhằm làm cho vấn đề ANM được bảo đảm chặt chẽ hơn. Đó là Đạo luật Tăng cường an ninh mạng, Đạo luật Thông báo vi phạm dữ liệu trao đổi liên bang, Đạo luật Tăng cường bảo vệ an ninh mạng quốc gia sửa đổi. Và dù có hệ thống bảo mật an toàn nhất thế giới song nước Mỹ vẫn không an toàn trước các cuộc tấn công mạng. Tháng 7/2017 tin tặc đã xâm nhập hệ thống của Equifax, một trong ba cơ quan tín dụng lớn nhất Mỹ, để lấy cắp dữ liệu cá nhân của 145 triệu người.
Tại Liên minh châu Âu (EU) Luật ANM đầu tiên bắt đầu được áp dụng vào tháng 5/2018. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng mạng bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của luật này nếu không sẽ bị phạt rất nặng.
Còn tại Đức, vào tháng 7/2015 Quốc hội đã thông qua Luật ANM nhằm phòng chống tội phạm trên internet. Luật này hàm chứa những điều khoản cụ thể đối với người sử dụng mạng xã hội, trong đó có việc cấm kích động sử dụng bạo lực xâm hại an ninh quốc gia, cấm kích động những hành vi phạm pháp, truyền bá các tư tưởng cực đoan...
Tại Australia khung văn bản pháp lý về ANM được đánh giá là hoàn thiện, bao gồm Luật về tội phạm mạng, Luật về thư điện tử rác, Luật về viễn thông và Luật bảo mật.
Tại Nhật Bản vào tháng 11/2014 Luật cơ sở về ANM đã được ban hành. Theo luật này, Chính phủ Nhật Bản xây dựng chiến lược ANM, lập ra Bộ Chỉ huy chiến lược ANM nhằm mục đích tăng cường hiệu quả các chính sách về ANM.
Tại Singapore quyền lực của Cơ quan ANM được mở rộng đáng kể. Theo Dự luật ANM được trình lên Quốc hội cách đây không lâu, cơ quan này được chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn không gian mạng quốc gia. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân buộc phải hợp tác tức thời với Cơ quan ANM để chống lại tội phạm mạng. Đối tượng bất hợp tác có thể bị phạt tù tới 10 năm.
Còn Thái Lan thì áp dụng các bộ luật kiểm duyệt mạng rất nghiêm ngặt. Quốc hội đã thông qua Luật Tội phạm máy tính vào tháng 12/2016. Theo luật này, mức án 5 năm tù được dành cho các đối tượng đăng tải lên mạng những thông tin bịa đặt, sai lệch phá hoại an ninh quốc gia, an toàn xã hội, sự ổn định kinh tế quốc dân, hạ tầng cơ sở công cộng hoặc gây hoang mang cho dân chúng. Một ủy ban gồm 5 thành viên được thành lập nhằm gỡ bỏ các thông tin trên mạng “vi phạm đạo đức xã hội”. Có thể. 128 triệu baht (tương đương 3 triệu USD) sẽ được chi để trang bị công nghệ theo dõi mạng xã hội.
Việt Nam được cho là một quốc gia dễ bị tổn thương trước tội phạm mạng. Nước ta đứng thứ 100 trên thế giới và nằm ở cuối ở khu vực ASEAN về ANM. Do ANM không đảm bảo nên trong năm 2017 các hệ thống thông tin tại Việt Nam phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gây thiệt hại khoảng 12.300 tỷ đồng. Lỗ hổng ANM khiến Việt Nam gặp nhiều nguy cơ khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0.
Thời gian qua trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, kích động nhằm phá hoại an ninh chính trị, gây mất ổn định trật tự kinh tế - xã hội; đe dọa độc lập, chủ quyền quốc gia, sự tồn vong chế độ, vu khống, bôi nhọ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân.
Điển hình là vụ việc một số đối tượng đăng những hình ảnh cắt ghép, xuyên tạc lên Facebook, Youtube… kích động biểu tình, nổi loạn lấy lý do phản đối Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Một trong những hậu quả đáng buồn của chiêu trò này là vào chiều 10/6/2018 nhiều người quá khích ở Bình Thuận đã chặn quốc lộ 1, tràn vào trụ sở UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tấn công lực lượng bảo vệ, đập phá tài sản.
Có những thời điểm ở Việt Nam tin tức giả trên mạng xã hội tiếm quyền dẫn dắt dư luận, lấn át các cơ quan báo chí. Người đọc ngụp lặn trong biển thông tin thật – giả lẫn lộn và điều nguy hiểm là tỷ lệ độc giả tin vào thông tin giả mạo rất cao. Theo Bkav (công ty chuyên về an ninh mạng ở Việt Nam), có tới 63% người dùng mạng thường xuyên đọc tin tức giả mạng trên Facebook và bị chúng tác động.
Có nhiều ví dụ về việc này:
Tháng 7/2017 dư luận cả nước xôn xao bởi thông tin về vụ máy bay rơi tại sân bay Nội Bài, kèm theo hình ảnh nhốn nháo tại sân bay. Sau đó các lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra và phát hiện sự thật là một người dùng Facebook đã bịa đặt nhằm "câu like”, phục vụ cho việc kinh doanh mỹ phẩm.
Tháng 2/2017 trên Facebook cũng xuất hiện trang fanpage mạo danh “Báo Công an” và đăng clip về vụ một Việt kiều đòi “đối chất” với nhân viên sân bay Tân Sân Nhất vì cho rằng hành lý bị móc trộm tại sân bay Việt Nam. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy. Hậu quả là tin tức giả mạo nói trên đã tạo ra hình ảnh méo mó, xấu xí về đất nước và con người Việt Nam.
Trong thời gian qua các mạng xã hội đua nhau đăng tải thông tin về các vụ bắt cóc trẻ em (không có thật) ở tỉnh nọ, tỉnh kia gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở các địa phương…
Luật ANM của Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó và là đòi hỏi bức thiết của thực tế cuộc sống.
Luật ANM không “rơi xuống từ trên trời” mà là sự hệ thống hóa và nâng thành luật các quy định về quản lý an ninh mạng của Việt Nam đã được ban hành trước đây. Luật ANM có mục đích là điều chỉnh các mối quan hệ trên không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân.
Cần hiểu rõ rằng Luật ANM của Việt Nam không có quy định nào hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Việc Luật này cụ thể hóa các hành vi bị cấm khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân là do các hành vi này đã được quy định là vi phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự.
Những người cho rằng Luật ANM vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền là những người có cái nhìn phiến diện, định kiến, thiếu khách quan, bỏ qua thực tế là tự do, dân chủ, nhân quyền là quyền của mỗi con người với điều kiện các quyền đó không xâm phạm đến tự do, dân chủ, nhân quyền của người khác, của cộng đồng, dân tộc, quốc gia!