Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN |
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thông qua 12 luật,
12 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Riêng đối với dự án
Luật Quy hoạch, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, sau khi cân nhắc kỹ
lưỡng các mặt, Quốc hội quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này để tiếp
tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án luật.
Quốc
hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 5 dự án luật, làm cơ sở quan
trọng để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu
chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới. Cũng tại
kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian nhiều hơn so với các kỳ họp trước
đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó tập trung vào 4
nhóm vấn đề chính thuộc lĩnh vực: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư…
Các
cử tri Quân khu I đã bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những đổi mới và
kết quả đạt được của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Cử tri kiến nghị
một số nội dung như: đề nghị Bộ Giao thông Vận tải mở đường vòng tránh
lên Quốc lộ 3 mới từ khu vực giao cắt ngã tư Quốc lộ 3 cũ với đường đi
từ phường Phú Xá sang Tích Lương, để thuận lợi cho các tình huống cơ
động; cần có những giải pháp mạnh xử lý về vấn đề chất lượng tàu vỏ sắt,
hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; cần tháo gỡ một số vướng mắc trong
việc thành lập lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài; sớm giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở của cán bộ, sỹ
quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng vũ trang Quân khu; xem xét
tăng các chế độ chính sách cho quân nhân như: tiền lương, phụ cấp, chế
độ đối với quân nhân mắc bệnh tâm thần, hiểm nghèo…
Những ý kiến
của cử tri đã được đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tiếp thu,
tổng hợp để gửi các bộ, ngành liên quan và Quốc hội xem xét, giải quyết.
Cần quan tâm đến môi trường vùng biển Ngày
23/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Quảng Nam gồm: Ủy
viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy Ban Tài chính ngân sách Quốc hội
Nguyễn Đức Hải; Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình đã có
buổi tiếp xúc với cử tri thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên.
Tại
buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến của cử tri kiến nghị Nhà nước cần quan tâm
hơn nữa đối với những người có công, nhất là những người tham gia tiền
khởi nghĩa, lực lượng thanh niên xung phong để người có công thực sự
không bị thiệt thòi. Cần xem xét, quan tâm nâng phụ cấp cho trưởng thôn,
lực lượng dân quân và người làm công tác kiêm nghiệm tại địa phương.
Nhiều kiến nghị của cử tri còn đặt vấn đề trong quá trình kêu gọi đầu
tư, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm sự tác động của dự án đến môi trường
sinh thái, nhất là môi trường vùng biển.
Về chống tham nhũng, cử
tri đề nghị cần xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm
trọng đã phát hiện thời gian qua để lấy lại niềm tin của nhân dân. Quốc
hội cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát để chống tham nhũng một
cách quyết liệt và hiệu quả.
Cử tri cũng yêu cầu cá nhân và cơ
quan thực thi pháp luật nếu làm oan sai cho người khác phải công khai
xin lỗi và chịu trách nhiệm cá nhân trong việc khắc phục hậu quả do mình
gây ra. Nhà nước không được lấy tiền từ ngân sách để đền bù thiệt hại
do người thi hành công vụ gây ra.
Các đại biểu Quốc hội khóa XIV
đơn vị tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận những kiến nghị thẳng thắn của cử tri
và cam kết sẽ thực hiện vai trò là người đại diện cho cử tri để yêu cầu
các cơ quan có liên quan tại địa phương xử lý kịp thời những vấn đề cử
tri kiến nghị. Đối với những vấn đề có tầm vĩ mô, đại biểu Quốc hội tỉnh
Quảng Nam ghi nhận và hứa sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm
nghiên cứu và trình Quốc hội xem xét trong các kỳ họp tiếp theo.
Cần đảm bảo thị trường cho nông sản Việt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 6 huyện, thị xã, thành phố gồm thành phố Hải Dương, huyện Tứ Kỳ, Kim Thanh, Kinh Môn…
Tại buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội đã thông báo nhanh tới các cử tri về những nội dung diễn ra tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Cử tri Hải Dương đã trình bày nhiều kiến nghị liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, xử lý nợ công, nợ đọng xây dựng cơ bản, xử lý rác thải và tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn.
Cụ thể, cử tri Vũ Đình Mạ, thôn Tiền, xã An Châu, thành phố Hải Dương kiến nghị hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp cứ khi nào được mùa thì rớt giá, mất mùa thì được giá. Để giảm thiểu điều này, cần có vai trò điều tiết, định hướng của nhà nước rõ rệt hơn nữa trong việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, thời tiết của từng địa phương; tổ chức tìm kiếm, xây dựng, mở rộng thị trường cho nông sản và phải hướng tới xuất khẩu chứ không còn sản xuất theo kiểu “tự cung, tự cấp” như trước. Theo ông Mạ, hiện người nông dân chỉ biết sản xuất nhưng sau đó không biết tiêu thụ ra sao, bán cho ai, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết.
Cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo các tỉnh phải chú trọng và hỗ trợ cho người nông dân nhiều hơn nữa, phải tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng; hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường và phải áp dụng được khoa học, công nghệ trong việc sơ chế, bảo quản để đảm bảo chất lượng cho nông sản.
Cùng quan điểm này, cử tri Vũ Chí Trung, thôn Trác Trung, xã An Châu, thành phố Hải Dương lo lắng: Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng chất lượng của gạo do người nông dân sản xuất ra vẫn còn thấp và kém hơn so với nhiều nước trong khu vực. Người nông dân sản xuất thì vất vả nhưng đời sống vẫn gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào thời tiết, không có định hướng nên mạnh ai nấy làm và vừa qua đã liên tục phải tổ chức các chiến dịch giải cứu từ hành, dưa hấu đến thịt lợn. “Chúng ta có thể suốt ngày tổ chức các chiến dịch giải cứu được không, vai trò quản lý, định hướng ra sao, ứng dụng khoa học, công nghệ như thế nào?” cử tri Trung băn khoăn. Cùng với đó, hiện nay, môi trường khu vực nông thôn cũng đang ô nhiễm nghiêm trọng do thiếu các khu vực chứa rác thải sinh hoạt, các bãi rác ở ngay gần khu dân cư, gần nguồn nước sinh hoạt và hiện có rất ít các nhà máy xử lý rác thải.
Tại các buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cũng gửi các kiến nghị đến đại biểu Quốc hội về chế độ chính sách như: chế độ đãi ngộ cho những người có công với cách mạng; hạ độ tuổi hưởng và nâng mức trợ cấp cho người cao tuổi.
Thay mặt cho đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã trả lời những kiến nghị của cử tri trong thẩm quyền của tỉnh. Tỉnh Hải Dương hiện đặt ra 3 mục tiêu lớn là phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội. Với 3 mục tiêu này, Hải Dương đã nỗ lực triển khai các giải pháp về bảo vệ môi trường, nhất là khu vực nông thôn. Tỉnh cũng đã có đề án riêng về phát triển sản xuất nông nghiệp và mới đây tỉnh cũng chủ động tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Đối với các kiến nghị không thuộc thẩm quyền, các đại biểu Quốc hội đã tiếp thu và báo cáo Quốc hội, các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Hỗ trợ, đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn Ngày
23/6, Đoàn đại biểu Quốc hội Khóa XIV tỉnh Hà Nam đã tổ chức tiếp xúc
cử tri tại các xã: Thanh Tân (huyện Thanh Liêm), Tiêu Động (huyện Bình
Lục), Nhân Nghĩa (huyện Lý Nhân), Mộc Bắc (huyện Duy Tiên), Văn Xá
(huyện Kim Bảng) và phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý).
Tại các
điểm tiếp xúc, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã báo cáo
với đại biểu cử tri kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.
Đa
số các đại biểu cử tri phát biểu bày tỏ sự phấn khởi và tin tưởng những
thành công của kỳ họp, đánh giá cao trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc
hội tỉnh, đồng thời cũng đề xuất một số ý kiến, kiến nghị như: Hỗ trợ và
đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn; thực hiện bình ổn giá các
loại vật tư nông nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; tăng
cường kinh phí để xây dựng kiên cố hóa kênh mương; tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có
quy hoạch phát triển chăn nuôi hợp lý để không xảy ra tình trạng giá
lợn xuống thấp gây thiệt hại nặng cho người nông dân như vừa qua, đồng
thời đề nghị với Nhà nước, các cấp chỉ đạo ngân hàng, các tổ chức tín
dụng cho giãn nợ, khoanh nợ, hỗ trợ lãi suất và kêu gọi các doanh nghiệp
sản xuất thức ăn chăn nuôi hạ giá cám, tiếp tục thực hiện liên kết 4
nhà trong chăn nuôi để hỗ trợ cho người dân; ưu tiên cơ chế hỗ trợ xây
dựng kết cấu hạ tầng ở cấp xã; quan tâm, thực hiện tốt hơn chính sách hỗ
trợ đối với người có công và người cao tuổi; giáo viên mầm non; đẩy
mạnh công tác phòng, chống tham nhũng...
Đại diện Đoàn đại biểu
Quốc hội tỉnh Hà Nam đã giải trình một số vấn đề, nội dung thuộc thẩm
quyền; đồng thời tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp
báo cáo với Quốc hội và Chính phủ xem xét, giải quyết.