Các nội dung liên quan đến độ tuổi, thời hạn thực hiện thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình; điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng... đã được các đại biểu tập trung phân tích, cho ý kiến.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp tổ chức tự vệ
Về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17), các đại biểu nhấn mạnh, vấn đề này có ý nghĩa quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh trong điều kiện thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chỉ rõ, trong những năm qua, việc thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc thành lập đơn vị tự vệ mà tập trung lo cho sản xuất. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng việc đảm bảo an ninh - trật tự là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lực lượng chính quyền địa phương chỉ chủ yếu tập trung công tác đảm bảo an ninh - trật tự bên ngoài doanh nghiệp. Trong phạm vi của mình, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tổ chức lực lượng để đảm bảo an ninh - trật tự, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi tình trạng an ninh - trật tự có những diễn biến phức tạp. Mặt khác, trong trường hợp cần huy động lực lượng để đảm bảo giải quyết vấn đề trong toàn khu vực như trộm cướp, cháy nổ, phòng, chống khắc phục thiên tai.., thì các doanh nghiệp phải có trách nhiệm cử lực lượng tham gia, phối hợp, đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, ở nhiều địa phương lực lượng thanh niên đi làm ăn xa, thoát ly gia đình rất đông. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã và đang thu hút một lượng lớn lực lượng lao động trẻ, khỏe, có trình độ cao. Số lượng doanh nghiệp quốc doanh thực hiện cổ phần hóa tiếp tục gia tăng. "Để phù hợp với tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, chất lượng cao; yêu cầu thực tiễn của lực lượng dân quân tự vệ gắn với việc huấn luyện, đào tạo, huy động, đồng thời đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng này thì việc tổ chức, duy trì hoạt động của lực lượng tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp là cần thiết và phải được luật pháp quy định", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc phải thành lập đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp; quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong chấp hành sự phân công, điều động khi có yêu cầu đồng thời cân nhắc quy định về kinh phí đảm bảo cho tự vệ của các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước.
Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự đa dạng các loại hình doanh nghiệp thì việc tổ chức tự vệ nhất là tự vệ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. "Tuy nhiên, không vì khó khăn mà không tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, vì việc tổ chức tự vệ có ý nghĩa quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh nhất là trong điều kiện Chính phủ phấn đấu mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp trong thời gian tới và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng lao động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp. Nếu không quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp thì sẽ không cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp năm 2013 là xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp", đại biểu khẳng định.
Để việc tổ chức trong doanh nghiệp có hiệu quả, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị, cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức tự vệ; tăng cường công tác thông tin, truyền thông để chủ doanh nghiệp nắm, hiểu đúng bản chất quy định của pháp luật trên cơ sở đó có sự đồng thuận cao, nâng cao trách nhiệm để tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp...
Tăng cường khả năng ứng phó, nâng cao công tác phối hợp
Về Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng (Điều 20), dự thảo Luật quy định: "Chỉ huy trưởng là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã".
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ: Quy định như vậy đã thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; thống nhất với Điều 16 Luật Quốc phòng; không làm tăng biên chế, phù hợp với tính chất của dân quân tự vệ “là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác” và yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ, tính chất đặc thù hoạt động quân sự ở cơ sở, cũng như số lượng cán bộ công chức cấp xã hiện nay và qua trao đổi ở địa phương, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đồng tình với quy định như trong dự thảo Luật và cho rằng quy định như vậy là hợp lý.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nhận định, thực tế hiện nay, cơ bản Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã được đào tạo ngành quân sự, có cơ sở để phong quân hàm sĩ quan dự bị, được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Do đó, trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ được gọi phục vụ tại ngũ và trở thành sĩ quan dự bị; khi hết hai tình trạng này thì được giải ngũ theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu quy định sĩ quan chính quy đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình thì sẽ làm tăng thêm rất nhiều biên chế, ngân sách nhà nước không thể bảo đảm đồng thời làm dôi dư và phát sinh thêm nhiều chính sách đối với một số công chức. Do đó, điều này sẽ không phù hợp với tính chất của dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác, làm chính quy hóa lực lượng này. Trong khi thực tế thời gian qua, thực hiện các quy định hiện hành, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã vẫn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng thời gian qua, ở một số địa phương, nhất là xã biên giới, xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh, tình hình tội phạm ma túy, buôn lậu, buôn người, vượt biên trái phép, tội phạm xuyên quốc gia hoạt động tinh vi, phức tạp. Vì thế, việc bảo đảm điều kiện bố trí sĩ quan Quân đội nhân dân đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cần thiết, để tăng cường khả năng ứng phó với tình hình, nâng cao công tác phối hợp với các lực lượng khác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sửa lại nội dung này là: Chỉ huy trưởng là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã. Đối với xã trọng điểm quốc phòng, an ninh, xã biên giới, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân đảm nhiệm” để phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo chương trình, tại phiên làm việc sáng 28/10, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.