Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, các đảng viên, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội đã tham dự.
Phát biểu tại buổi nói chuyện, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã điểm lại quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng.
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, người thanh niên Tôn Đức Thắng đã sớm có lòng yêu nước nồng nàn. Đồng chí là người đã tổ chức, lãnh đạo Công hội bí mật đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam năm 1920 và là một trong những lãnh đạo chủ chốt cuộc bãi công của công nhân Ba Son năm 1925 - sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào công nhân Việt Nam.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nêu bật nghị lực phi thường của người cộng sản Tôn Đức Thắng trong hai năm bị giam tại Khám lớn Sài Gòn và suốt 15 năm liên tục lưu đày ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Trong suốt những năm tháng tù đày gian khổ, người thanh niên Tôn Đức Thắng đã cùng các đồng chí của mình kiên cường đấu tranh, "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng".
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: "Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng là dịp để chúng ta bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc với đồng chí - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội".
Tiếp theo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trao đổi, làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đặc biệt là trong thời gian đồng chí Tôn Đức Thắng giữ cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cũng đã khái quát chặng đường hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng, từ những năm tháng tuổi trẻ bôn ba ở nước ngoài, hoạt động trong phong trào công nhân, công đoàn Pháp, đồng chí đã tham gia cuộc nổi dậy của hải quân Pháp ở Biển Đen, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, góp phần bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới...
Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, đồng chí Tôn Đức Thắng là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VI, là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội vào năm 1946, quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội vào năm 1948 và là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội từ năm 1955 đến năm 1960. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã có 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước...
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc và nhân dân, có đức tính khiêm tốn, lối sống giản dị, gần gũi quần chúng nhân dân, thấm nhuần những chuẩn mực đạo đức cách mạng "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng yêu nước nồng nàn và tình cảm quốc tế trong sáng.
Đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội đã xem phim tài liệu "Người Cộng sản Tôn Đức Thắng" do hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất; tham quan triển lãm về một số hình ảnh hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được trưng bày tại Nhà Quốc hội.