Phân cấp cho các địa phương trong sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban

Việc việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện (sáp nhập sở ngành, phòng ban) chưa có sự thống nhất, đã tạo ra nhiều điểm "nghẽn" và gây băn khoăn trong dư luận.

Chú thích ảnh
Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh minh họa: Lê Xuân/TTXVN

Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh), Nghị định 37/NĐ-CP và dự thảo Nghị định 37/2014/NĐ-CP (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện).

Đây là cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Mặc dù nghị định sửa đổi chưa được ban hành, song, ngay sau khi có Kết luận số 34-KL/TW, nhiều địa phương đã sớm thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện (sáp nhập sở ngành, phòng ban). Việc sáp nhập, sắp xếp này chưa có sự thống nhất, đã tạo ra nhiều điểm "nghẽn" và gây băn khoăn trong dư luận.

Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong tháng 12/2018, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, chờ Chính phủ ban hành Nghị định.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế Đào Thị Hồng Minh, việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến thảo luận, nội dung dự thảo phải sửa đi, sửa lại nhiều lần nên chậm ban hành. Đến nay nghị định này đã cơ bản hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành.

Theo đó, dự thảo nghị định đưa ra hướng các sở được tổ chức thống nhất (cứng) gồm có 9 sở (dự thảo ban đầu chỉ giữ cứng 4 sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế). Còn những sở ngành có thể sáp nhập, hợp nhất gồm có: Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng…

Đối với các sở này tại 5 thành phố trực thuộc trung ương, tại những tỉnh có thể tự cân đối ngân sách và những tỉnh có diện tích trên 10.000 km2 và có dân số trên 2 triệu người thì địa phương có thể quyết định nhập hay không nhập.

Đối với 4 sở có thể hợp nhất: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông thì địa phương tùy vào điều kiện đặc thù để sắp xếp hợp lý.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, hiện tại việc này vẫn đang trong giai đoạn dự thảo nên chưa xác định cụ thể sẽ sáp nhập sở nào với sở nào mà chỉ đưa ra một số vấn đề mang tính nguyên tắc, khung để các địa phương tự tính toán hợp lý.

Theo ông, không phải Chính phủ không ban hành nghị định mới thay nghị định cũ, để khoảng trống pháp lý. Hiện nay Nghị định 24 và 37 vẫn có hiệu lực và guồng máy vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì phải sửa Nghị định.

Mục tiêu thay thế hai nghị định này là để đảm bảo một việc thì chỉ một người phụ trách. Ông chỉ ra thực tế hiện nay là có nhiều nhiệm vụ mà có hai đến ba nơi cùng làm, ví dú vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm có nhiều ngành cùng quản lý dẫn đến không phân định rõ trách nhiệm.

Hay trong một số vấn đề về tài nguyên có nhiều việc còn đan xen nhau; quản lý về đầu tư, tài chính, quản lý danh mục vốn, thanh quyết toán thì hai ngành kế hoạch - đầu tư và  tài chính nhiều lúc trùng nhau. Ngay việc quản lý vốn ODA cũng rất phức tạp. Nếu nhiều việc trùng lắp giữa các sở, ngành thì phải hướng đến sửa làm sao để một người có thể làm nhiều việc chứ một việc không thể giao cho nhiều người.

“Làm sao bộ máy gọn nhẹ, tinh giản, có hiệu lực hiệu quả và phân cấp, phân quyền, chức năng rõ để bộ máy từ địa phương lên Chính phủ cho tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói.

Ông cũng cho rằng lãnh đạo các địa phương có tinh thần cải cách mạnh mẽ nhưng Thủ tướng có ý kiến là chờ nghị định của Chính phủ để thực hiện cho thống nhất, hướng tới không phải sáp nhập đầu mối một cách cơ học mà làm sao để tránh chồng chéo, phân định nhiệm vụ cho thật rõ.

Nghị định sẽ phân cấp mạnh cho các địa phương trong việc sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban bởi mỗi tỉnh có một thế mạnh, điều kiện khác nhau, lãnh đạo tỉnh sẽ nghiên cứu để sắp xếp bộ máy cho phù hợp. Tuy nhiên, các địa phương phải bám sát phương châm là "rõ việc, giảm cồng kềnh, hiệu lực và biên chế không tăng lên".

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Hiệu quả bước đầu của việc sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã đầu tiên trên cả nước
Hiệu quả bước đầu của việc sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã đầu tiên trên cả nước

Từ ngày 1/3/2019, phường Văn Đức của thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đã chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Kênh Giang và Văn Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN