Phát biểu của Thủ tướng tại Đối thoại Chính sách kinh tế Việt - Nhật

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề "Việt Nam hội nhập và phát triển".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nhân chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Mie, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề "Việt Nam hội nhập và phát triển".

Báo Tin Tức xin trân trọng giới thiệu là toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc đối thoại:

Thưa các bạn Nhật Bản và Việt Nam,

Thưa tất cả các quý vị,

Lời đầu tiên, tôi xin nồng nhiệt chào mừng quý vị, các quan chức cấp cao và các nhà doanh nghiệp Nhật Bản - những người bạn của Việt Nam, tham dự Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “ Việt Nam hội nhập và phát triển”. Đây là hoạt động đầu tiên của tôi trong chương trình thăm Nhật Bản và dự Hội nghị G7 trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Nhân dịp này tôi cũng chân thành cảm ơn các bạn Nhật Bản đã đón tiếp tôi cùng Đoàn đại biểu Việt Nam rất trọng thị và chu đáo ngay khi vừa đặt chân tới đất nước của các bạn.

Thưa quý vị,

Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Người dân cả hai nước chúng ta hàng ngày ăn cơm bằng bát nhỏ và dùng đũa, trong lao động luôn coi trọng sự cần cù, hợp tác giúp đỡ, cởi mở, hiếu khách trong giao tiếp. Mùa xuân Việt Nam có hoa đào và giữa tháng 4/2016, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tổ chức tại hơn 10 tỉnh của Việt Nam được người dân chúng tôi vui mừng chào đón. Ngài cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đã từng nói tình bằng hữu Việt-Nhật được xây đắp từ những tương đồng “cùng chung nhịp đập trái tim”, và ngày mai tôi sẽ dậy thật sớm đi thăm Đền Ise Jingu, để có cơ hội tìm hiểu rõ hơn các giá trị Nhật Bản và “cùng chung nhịp đập trái tim” với các bạn.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, góp phần tích cực phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam, nổi bật gần đây nhất là Cầu Nhật Tân - nhịp cầu kết nối bền vững tình hữu nghị Việt - Nhật. Về đầu tư, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam với hơn 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 39 tỷ USD. Về thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam với cán cân thương mại cân bằng, các sản phẩm có tính bổ trợ nhau.

Hai nước chúng ta hiện nay đang tích cực triển khai "Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” tập trung vào các ngành công nghiệp điện tử; chế biến nông sản, thủy sản; môi trường và tiết kiệm năng lượng; máy nông nghiệp; đóng tàu; công nghiệp và phụ tùng ô tô. Giao lưu nhân dân cũng đạt kết quả ấn tượng, năm 2015 có trên 855.000 lượt người hai nước đi thăm lẫn nhau, trong đó có 670.000 lượt người Nhật Bản sang Việt Nam kinh doanh, du lịch và khoảng 185.000 lượt người Việt Nam đi thăm, làm việc tại Nhật Bản. Đặc biệt, hiện nay có trên 15.000 du học sinh Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản.

Thưa quý vị,

Giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2015, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 6,7%, cao nhất kể từ năm 2011, là một trong 6 nền kinh tế mới nổi tăng trưởng cao nhất năm 2015. Với dân số 92 triệu người và GDP bình quân đầu người đạt hơn 2,100 USD, quy mô và sức mua của thị trường Việt Nam tăng trưởng nhanh, ổn định của châu Á.

Việt Nam là nền kinh tế mở với quy mô thương mại lớn hơn Indonesia, Phillippines và đang tiệm cận mức của Malaysia, Thái Lan. Kim ngạch thương mại giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân khoảng 15%, đạt 330 tỷ USD năm 2015 (gấp 1,6 lần quy mô GDP), định hướng đến năm 2020 đạt khoảng 600 tỷ USD. Việt Nam đã thu hút gần 290 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 22.000 dự án từ 114 quốc gia và vùng lãnh thổ và đã giải ngân được gần 145 tỷ USD. Hiện đang có nhiều Tập đoàn đa quốc gia (MNCs) đầu tư kinh doanh thành công ở Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và những Tập đoàn hàng đầu như Toyota, Misubishi, Honda, Sony... Chúng tôi trân trọng sự đóng góp quý báu của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.

Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế. Chúng tôi đã tham gia Cộng đồng ASEAN (với dân số 650 triệu người, GDP đạt 2.500 tỷ USD), đã ký 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên. Thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có tất cả 7 thành viên G7 và 15/20 thành viên Nhóm G-20.

Thưa quý vị,

Chúng tôi hiểu rằng những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, hiện nay môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh:

Thứ nhất là tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế, trong ba năm tới, nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nước ngoài nói chung tham gia đầu tư, trở thành cổ đông chiến lược.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh thuận lợi ngang mức bình quân ASEAN-4 trong năm 2017 về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng.

Thứ ba, Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng đô thị, khuyến khích đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP) để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư và kinh doanh khai thác các công trình hạ tầng.

Thứ tư, Phát triển nhân lực được coi là một khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn lực tư nhân, kể cả đầu tư nước ngoài cho đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Khuyến khích tinh thần “khởi nghiệp”, nhất là trong thanh niên trẻ, phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020.


Thưa Quý vị,

Thủ tướng Shinzo Abe đã từng nói về quan hệ Việt - Nhật: Hai nước chúng ta chia sẻ thử thách giống nhau trong lúc hai nền kinh tế có thể hỗ trợ lẫn nhau. Để phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác song phương tôi xin nêu với các bạn một số định hướng lớn sau:

Về đầu tư, chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án thuộc 06 nhóm lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển công nghiệp hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản, các dự án phát triển hạ tầng, dự án theo hình thức PPP, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, tham gia đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm đối với các dự án khởi nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về thương mại, với việc triển khai Hiệp định TPP, chúng ta hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 60 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản mở cửa thị trường cho trái cây Việt như xoài, vải, thanh long… và mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện "Made in Việt Nam" đến với người tiêu dùng Nhật Bản. Người Việt Nam ưa chuộng hàng hóa "Made in Japan", chúng tôi sẵn sàng đón nhận các mặt hàng có chất lượng, công nghệ cao từ Nhật Bản.

Về du lịch, chúng ta tăng cường hợp tác để phấn đấu trong thời gian tới số người đi thăm qua lại giữa hai nước sẽ tăng gấp đôi hiện nay lên khoảng 1,5 triệu lượt người. Việt Nam có nhiều danh thắng được UNESCO ghi danh và còn rất nhiều điểm đến hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch Nhật Bản như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... Hai bên cần sớm mở thêm các đường bay thẳng và đề nghị Nhật Bản đơn giản hoá thủ tục visa cho du khách Việt Nam.

Thưa Quý vị,

Với phương châm "Thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của chúng tôi", Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế trong giai đoạn phát triển mới. Chúng tôi chào đón các bạn tại Việt Nam và tin tưởng rằng các bạn sẽ thành công tại đất nước của chúng tôi.
Sau đây tôi và các Bộ trưởng sẵn sàng trao đổi cởi mở cùng Quý vị.

Xin trân trọng cảm ơn.

TTXVN/Tin Tức
Hoạt động của Thủ tướng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng
Hoạt động của Thủ tướng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng

Chiều 26/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Tổng thống Sri Lanka, Tổng Thư ký LHQ, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN