Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng đoàn Kiểm tra số 541 chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị của Đoàn Kiểm tra cho thấy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ kiêm tra, giám sát đối với các cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới trong việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; giải quyết khiếu nại, kỷ luật đảng theo thẩm quyền; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đối với cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp dưới.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự nỗ lực của toàn ngành kiểm tra Đảng đã đạt những kết quả nổi bật, nhất là việc kiểm tra, xử lý kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỳ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên theo thẩm quyền; quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy của một số cấp ủy viên cấp dưới; quyết định hủy bỏ hoặc yêu cầu, kiến nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thu hồi các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tinh thần kiên quyết, xử lý nghiêm minh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, cấp ủy các cấp giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của 98 đảng viên, đã giải quyết xong 69 trường hợp (đạt 70,4%). Qua xem xét, giải quyết: Giữ nguyên hình thức kỷ luật 53; tăng hình thức kỷ luật 2; giảm hình thức kỷ luật 3; xóa kỷ luật 11 trường hợp. Ủy ban Kiểm tra các cấp giải quyết khiếu nại của 127 đảng viên, đã giải quyết xong 113 trường hợp. Ủy ban Kiểm tra các địa phương, đơn vị đã giải quyết 104 trường hợp (giữ nguyên hình thức kỷ luật 72; tăng hình thức kỷ luật 03, giảm hình thức kỷ luật 15; xóa kỷ luật 14 trường hợp). Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã giải quyết xong 9 trường hợp (giữ nguyên hình thức 3; giảm hình thức 3; tăng hình thức 3 trường hợp).
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trên một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Một số lĩnh vực với nhiều vi phạm mới phát sinh có nội dung, tính chất phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài chưa được kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng ở một số nơi chưa thường xuyên, việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu.
Căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, Đoàn Kiểm tra đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung và cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác kiểm tra, giám sát trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết Trung ương khóa XIII vào Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của toàn Ngành kiểm tra và của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên toàn Đảng về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết của Đảng nói riêng; đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển, hoàn thiện lý luận, nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; nâng cao năng lực dự báo về những hành vi vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ để đề ra các chủ trương, biện pháp phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm từ xa, từ sớm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng đoàn Kiểm tra Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Thực tế cho thấy, đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở các cơ quan, đơn vị còn quá ít, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, những cơ quan nào đã được giám sát, sau đó chấn chỉnh rất tốt. Thời gian tới, lực lượng này cần tăng cường theo từng vùng, từng đơn vị. Đội ngũ những người làm công tác kiểm tra, giám sát ở các địa phương, cơ quan cần được tuyển dụng kỹ càng, bồi dưỡng kiến thức tốt; đồng thời phải xây dựng được những chương trình tập huấn sát với thực tế, từ đó lựa chọn nội dung, tăng cường kiến thức liên quan đến nghiệp vụ, những bài học xử lý tình huống trong hoạt động kiểm tra, giám sát…
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú khẳng định, hoạt động kiểm tra, giám sát rất quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên đều chịu sự giám sát, kiểm tra của Đảng, không ai đứng ngoài cuộc. Lần này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương là đối tượng kiểm tra, giám sát và đây cũng là cơ hội để cơ quan kiểm tra nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả công việc, những mặt hạn chế cần khắc phục. Sau buổi làm việc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ chỉ đạo các đơn vị, cá nhân khắc phục những hạn chế, tổ chức thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, kiên quyết không bỏ sót, bỏ lọt và bao che những trường hợp vi phạm.
Tại buổi làm việc, các ý kiến đều cho rằng, các cấp ủy nhận thức về nhiệm vụ giám sát chưa đúng, còn nhiều hạn chế, đánh giá chất lượng công tác giám sát cuối năm chưa đạt; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa khoa học, vẫn còn tình trạng dĩ hòa vi quý, tránh va chạm; cơ chế quản lý cán bộ đảng viên chưa hiệu quả, chưa có phương pháp đánh giá tốt nên nhìn nhận con người không tuân theo bản chất vấn đề, vẫn mang tính đối phó. Nhiều ý kiến cho rằng, giám sát mà không phát hiện ra sai phải cũng phải có trách nhiệm và cần khắc phục. Thời gian tới, hoạt động giám sát cần thay đổi phương pháp, cách thức theo hướng thường xuyên hơn nữa để đem lại hiệu quả cao.