Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị đảm bảo trật tự, ATGT

Sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) có chuyển biến tích cực, song tình hình vi phạm trật tự ATGT còn nhiều diễn biến phức tạp.


Tiềm ẩn nhiều nguy cơ


Tai nạn giao thông (TNGT) vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. TNGT và ùn tắc giao thông đường bộ vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.


Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia ba tháng đầu năm 2013, toàn quốc xảy ra 6.528 vụ TNGT, làm chết gần 2.600 người, bị thương trên 6.400 người; so với cùng kỳ năm 2012 số người chết tăng 0,7%. Trong đó đường bộ xảy ra 6.420 vụ làm chết 2.542 người, đường sắt xảy ra 95 vụ làm chết 42 người, đường thủy xảy ra 12 vụ làm chết 15 người. Riêng TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 15 vụ tại Khánh Hòa, Gia Lai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Long An, Bắc Ninh, Tiền Giang, Lạng Sơn, Phú Yên, Lâm Đồng làm chết 60 người và bị thương 35 người.


Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị số 18 - CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông''.
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN.


Qua phân tích của các ngành chức năng, số vụ và số người bị thương có giảm nhưng số người chết do TNGT tăng cao và có những diễn biến phức tạp, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. Một số vi phạm trật tự ATGT còn phổ biến như người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, người uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện, xe khách chở quá số người quy định, vi phạm tốc độ quy định. Tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp ở một số tuyến phố tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vào giờ cao điểm.


Số vụ TNGT gia tăng một phần do việc kiểm tra, kiểm định các phương tiện giao thông qua loa, sau đó lại cho lưu hành. Là địa phương có số vụ tai nạn, tử nạn vì tai nạn giao thông tăng cao trong quý I/2013, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Chính phủ khi để TNGT tăng. “Khánh Hòa là địa phương dẫn đầu cả nước về cả ba tiêu chí tăng số vụ tai nạn, tăng số người chết, tăng số người bị thương. Riêng số vụ tai nạn nghiêm trọng ở Khánh Hòa trong thời gian qua cũng rất lớn. Tôi xin nhận kỷ luật trước Chính phủ” - ông Thắng nói.


Mỗi năm giảm 5 - 10% tai nạn giao thông


Trước những vấn đề bức xúc của xã hội về TNGT và ùn tắc giao thông, ngày 4/9/2012 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 18-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.


Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về công tác này; thực hiện toàn diện, đồng bộ, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo đảm trật tự, ATGT; phấn đấu hằng năm kiềm chế, làm giảm từ 5 - 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ. Các nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế được huy động để bảo đảm các điều kiện phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng; xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.


Đề xuất các giải pháp nhằm kiềm chế và đẩy lùi TNGT, ùn tắc giao thông, Phó Bí thư thường trực thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái cho biết: Hà Nội coi trọng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đóng vai trò quyết định trong tổ chức thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ để phát triển giao thông, cũng như khắc phục những vấn đề bất cập như TNGT, ùn tắc giao thông. Trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa thể có bước đột phá nhanh thì công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vẫn là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Lựa chọn trúng những vấn đề bức xúc, những cơ sở, địa bàn trọng điểm (điều chỉnh giờ làm việc, xây dựng cầu vượt…) để tập trung chỉ đạo sâu, giải quyết dứt điểm, tạo cơ sở và tạo đà để thúc đẩy, giải quyết những tồn tại, yếu kém khác.


Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Lợi - Phó Bí thư thành ủy Cần Thơ cho rằng: Để nhiệm vụ và các giải pháp giảm TNGT, ùn tắc giao thông thì vai trò lãnh đạo của Đảng các cấp phải có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc kiềm chế TNGT; từ đó các cấp ủy và cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong đi đầu chấp hành Luật Giao thông, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương, đơn vị mình. Đồng thời phải tập trung chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra các ngành, nhất là các ngành chức năng trong việc phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Từ đó, hiệu quả mang lại sẽ ngày càng cao.


Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông", Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: Bộ kiên quyết xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Vấn đề đang được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, đây không phải là quyết định mới mà đã được quy định trong các Nghị định 36/CP và 49/CP của Chính phủ từ năm 1995 và đến nay vẫn đang có hiệu lực pháp luật. "Bộ Công an chưa bao giờ nói rằng chỉ người có tên trong đăng ký mới được điều khiển phương tiện đó như dư luận đã phản ánh. Không có bất cứ quy định pháp luật nào quy định xe đi thuê, đi mượn bị xử phạt vi phạm hành chính", Trung tướng Phạm Quý Ngọ nhấn mạnh.

Việc quy định bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên khi mua, bán, trao tặng, tránh những tranh chấp dân sự. Nguyên tắc thực hiện hình thức xử phạt này là việc xác định trách nhiệm trước tiên của người đứng tên đăng ký xe đối với phương tiện của mình khi để xảy ra vi phạm. Hành vi không chuyển quyền sở hữu không trực tiếp gây ra tai nạn giao thông nhưng đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, vừa qua, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 12 về đơn giản hóa thủ tục chuyển chủ sở hữu phương tiện để tạo thuận lợi cho những người khi mua xe qua nhiều chủ sở hữu, không có khả năng tìm chủ sở hữu có tên trong đăng ký xe được đăng ký phương tiện mang tên mình. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2013 đến hết ngày 31/12/2014.

Bộ Công an đề nghị khi xây dựng văn bản pháp luật mới phải giữ nguyên quy định xử phạt đối với hành vi không chuyển sở hữu phương tiện theo quy định. Điều này không chỉ đảm bảo về quyền lợi cho các bên, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và chống thất thu ngân sách mà còn góp phần quan trọng trong việc phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông - Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ nhấn mạnh.

Thanh Vân

Tại hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW diễn ra đầu tuần này của Ban Bí thư khóa XI về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự ATGT: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, thủ trưởng đơn vị chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện chưa thường xuyên, liên tục, thiếu quyết liệt; còn biểu hiện phó mặc cho ngành Công an và Giao thông vận tải. Các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT thực hiện chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ.


Phương tiện giao thông tăng quá nhanh, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp yêu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sự đi lại của nhân dân. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật, trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Phân công, phân cấp về công tác bảo đảm trật tự, ATGT có mặt chưa hợp lý; phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chủ động. “Cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, ATGT.


Các ngành chức năng, nhất là chính quyền địa phương tăng cường quản lý nhà nước, thực sự coi trọng công tác đảm bảo trật tự, ATGT, xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Cấp ủy chính quyền các cấp phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp về bảo đảm trật tự, ATGT”, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh.


Coi trọng công tác tuyên truyền


Để hạn chế và giảm dần số vụ TNGT và ùn tắc giao thông, theo đồng chí Lê Hồng Anh các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân tự giác chấp hành luật giao thông, thực hiện nếp sống "văn hóa giao thông". Tổ chức phong phú các hình thức giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân.


Cùng với biểu dương, phổ biến gương người tốt, việc tốt, cần lên án các hành vi cố ý vi phạm, coi thường pháp luật về giao thông, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội phải tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, đoàn viên, hội viên tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đồng thời vận động mọi người từ trong gia đình đến xã hội chấp hành một cách tự giác. Nội dung này cần được đưa vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; đưa việc xây dựng và thực hiện "văn hóa giao thông" vào nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Coi việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và phân loại đảng viên; không xét thi đua khen thưởng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, lực lượng vũ trang... vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.


Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tập trung xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển phương tiện phù hợp với sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức kết nối các phương thức vận chuyển giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển để giảm tải hoạt động vận chuyển bằng đường bộ; tiếp tục đầu tư xây dựng cầu vượt đường bộ tại điểm giao cắt trên các tuyến đường trọng điểm, thành phố Hà Hội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác.


Cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT. Trong đó, các cơ quan chức năng tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, ATGT. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và quản lý người được cấp giấy phép lái xe sau sát hạch. Nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, ATGT.



Viết Tôn(tổng hợp) 

Cầu siêu cho 12 nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc ở Cam Ranh
Cầu siêu cho 12 nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc ở Cam Ranh

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ cầu siêu cho 12 người thiệt mạng trong vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra tại phường Cam Nghĩa, Cam Ranh hôm 8/3 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN