Hội thảo được kết nối trực tuyến giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Các Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và trên 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học ở Trung ương và địa phương dự Hội thảo.
Nêu cao tinh thần đoàn kết
Phát biểu tại Hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy trí tuệ và bản lĩnh cách mạng, đã khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả dân tộc và mỗi người Việt Nam, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được Đảng và toàn thể dân tộc giao phó trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu ngày nay.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và trong thảm họa thiên tai, bão lũ ở miền Trung vừa qua càng cho thấy, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hết mực yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của đồng bào ta trên khắp mọi miền của đất nước, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, trong đó có những tướng lĩnh, sỹ quan, chiến sỹ các lực lượng vũ trang đã không quản ngại gian khổ, hy sinh anh dũng để cứu giúp, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân. Điều đó càng cho thấy ý nghĩa hết sức quan trọng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thường trực Ban Bí thư nhận xét: “Thực tiễn đất nước qua 35 năm đổi mới đã và đang khẳng định mạnh mẽ đường lối Đổi mới của Đảng ta là sáng tạo, đúng đắn, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước ta, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam".
Tuy nhiên, theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, càng được những thành quả to lớn bao nhiêu, càng không được phép tự mãn, chủ quan. Vì, Việt Nam còn đứng trước rất nhiều khó khăn, hạn chế. Đời sống của nhân dân nhiều nơi còn rất khó khăn, nhất là trong thời gian qua phải chứng kiến những đau thương, mất mát to lớn của đồng bào miền Trung do thiên tai, bão lụt; khó khăn của nhân dân cả nước do tác động bởi đại dịch COVID-19.
"Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí tuy đã được ngăn chặn, đẩy lùi nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch và đối tượng phản động vẫn ra sức xuyên tạc nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; bóp méo lịch sử và những thành quả cách mạng to lớn của đất nước; lợi dụng các khó khăn, bất cập trong quá trình phát triển để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước ta", Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.
Trong bối cảnh đó, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hoạt động của Mặt trận cũng còn những hạn chế, bất cập, chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vẫn chưa theo kịp yêu cầu mới. Các cuộc vận động, phong trào thi đua ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, chưa hiệu quả. Vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn có một số hạn chế, bất cập. Một số nơi còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Năng lực cán bộ và điều kiện hoạt động của Mặt trận các cấp một số nơi còn bất cập…
Thời gian tới, cùng với việc khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải không ngừng đổi mới về mọi mặt, nhất là về phương thức hoạt động; khẳng định vị thế và vai trò trong hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cần tập trung làm tốt vai trò của mình với tư cách là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đồng thời, dựa vào nhân dân để tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Từ đó, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, củng cố, phát huy thế trận lòng dân góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Định hướng xây dựng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bối cảnh mới
Trình bày đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: 90 năm qua, trải qua nhiều chặng đường lịch sử, dù mang nhiều tên gọi khác nhau, như: Hội Phản đế Đồng minh, Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Việt Nam Độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh), Mặt trận Liên - Việt..., Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn thống nhất về tôn chỉ, mục đích: Đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc Việt Nam, vì mục tiêu hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù trong thời kỳ vận động cách mạng; kháng chiến, kiến quốc hay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; dù ở miền Bắc hay miền Nam, khi đất nước đang còn chia cắt; dù trong thời kỳ bom đạn khốc liệt của chiến tranh, những lúc khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp, kế hoạch hóa tập trung hay trong công cuộc đổi mới hiện nay, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn là hình ảnh cao đẹp nhất của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là biểu trưng sinh động và rõ ràng nhất cho chủ trương, đường lối nhất quán, xuyên suốt về đoàn kết dân tộc của Đảng ta; là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh thống nhất: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Đảng ta luôn khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đường lối chiến lược quan trọng đó luôn được thực hiện, cụ thể hóa qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò là liên minh chính trị, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phối hợp và thống nhất hành động của toàn dân, nơi kết tinh sâu sắc truyền thống: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh nội sinh phi thường của dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; phát huy ý chí tự cường dân tộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chặng đường 90 năm qua của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam là pho sử quý giá, là niềm tự hào của dân tộc, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, để từ có được những định hướng xây dựng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bối cảnh mới.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 64 tham luận với các nội dung tập trung khẳng định tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng về đại đoàn kết dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là một bộ phận hữu cơ, tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam. Các tham luận khẳng định vai trò, đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong việc khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng dân tộc - nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Cùng với đó, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.