Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: " Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên lật nhào ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật, giành độc lập cho dân tộc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo động lực để dân tộc ta đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đập tan ách thống trị hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân, phát xít, chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến; thiết lập nền dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là cuộc đổi đời vĩ đại không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà cả lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên thế giới.
Cách mạng tháng Tám là đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết toàn dân, thể hiện tầm cao trí tuệ dân tộc và sức mạnh của thời đại. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Cách mạng tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất và là một trong những bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Với Cách mạng tháng Tám, "Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa"[1]. Cách mạng tháng Tám làm nên cuộc đổi đời cho toàn dân tộc. Từ thân phận nô lệ, nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng ta từ một đảng hoạt động không hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước.
Không chỉ có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng tháng Tám còn là sự kiện trọng đại của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX. Đó là đòn quyết định phá tung một mắt xích quan trọng và thúc đẩy sự tan rã nhanh chóng của hệ thống thuộc địa; mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ.Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nó chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, do toàn dân nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác - Lênin, có đường lối đúng đắn hoàn toàn có thể giành thắng lợi.
Với những giá trị, tầm vóc to lớn đó, Cách mạng tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những "chiến công hiển hách và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của dân tộc Việt Nam" trong thế kỷ XX.
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong xây dựng, phát triển đất nước
Trải qua 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành động lực, sức mạnh to lớn và là hành trang để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần "... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...", toàn thể dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng toàn dân và toàn quân ta đã làm nên một Điện Biên lịch sử - “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với thắng lợi này, "lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới".
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và với niềm tin sắt đá"... dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn", dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng, với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản; với phương châm toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ, "mỗi người dân là một dũng sĩ diệt Mỹ, quân dân và dân ta đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền quyền Sài Gòn, giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong những năm 1975 - 1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; đồng thời, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng và hồi sinh đất nước Chùa Tháp. Trước những yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, nhận thức được những bất cập của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, Đảng đã tổng kết sáng kiến của nhân dân, tiến hành đổi mới từng phần trong nông nghiệp, công nghiệp và bước đầu đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và từng bước hình thành đường lối đổi mới.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên hành trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011).
Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước với cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn mình trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được bảo đảm. Vị thế và uy tín đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Đặc biệt, đến hết năm 2019, GDP đạt tăng trưởng 7,02%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá. Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả tích cực. Việt Nam lần thứ 2 được bầu với số phiếu tuyệt đối, trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, qua đó, nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế. Với tất thảy những thành tựu đạt được, có thể thấy, chưa bao giờ Việt Nam có cơ đồ và vị thế như ngày nay.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc Khánh 2/9, là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ôn lại truyền thống vẻ vang, hun đúc khát vọng cháy bỏng trong mỗi người dân Việt Nam về một nền độc lập tự do cho Tổ quốc, một nền hòa bình bền vững cho đất nước. Từ đó, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với công lao, xương máu của biết bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.