Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7,Quốc hội khóa XIII, sáng 2/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.
* Tiếp tục các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát
Thể hiện sự tán thành với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tình hình triển khai kế hạch những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân… Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 đã đạt kết quả tích cực.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, phát biểu ý kiến. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN. |
Chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, các đại biểu cơ bản nhất trí với các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Theo đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), trước mắt Chính phủ cần tập trung cao độ cho việc tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đồng thời tiếp tục đề ra các chính sách phù hợp để tăng năng suất tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng, nâng cao năng suất, thu hút lao động.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, để khắc phục được những chỉ tiêu không đạt (2/15 chỉ tiêu) trong kế hoạch năm 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra, Chính phủ cần phân tích sâu hơn nữa nguyên nhân của tình trạng này, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp khắc phục. Chính phủ cần đánh giá chính xác về tình hình phá sản, giải thể, dừng hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đề ra các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, sản xuất hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh thanh, kiểm tra và có chế tài mạnh xử lý các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường... Đề cập đến tình hình trên biển Đông, đại biểu Trần Ngọc Vinh kiến nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản ứng phó với tác động tiêu cực, thu hút đầu tư, bảo đảm chủ quyền để phát triển kinh tế.
* Tăng cường vị thế và mang lại lợi ích quốc gia
Liên quan đến quá trình đàm phán các hiệp định thương mại, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị Chính phủ cần có phương án đàm phán để đạt được những cam kết khả thi nhất cho nền kinh tế, trong đó đặc biệt cần “cứng rắn” trong những vấn đề ảnh hưởng lớn đến nông dân và sản xuất nông nghiệp; đồng thời chú trọng bảo lưu các chính sách cần thiết vì lợi ích công cộng, định hướng cơ cấu kinh tế, bảo đảm cho các doanh nghiệp có thể hưởng lợi thực chất từ các cam kết. Đại biểu nhận định: Các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra sự phát triển mà còn là cơ hội cho Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng về kinh tế.
Giải thích thêm về chủ đề này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nêu rõ: Nước ta đang có quan hệ thương mại với trên 180 nước, trong đó tập trung vào một số thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước ASEAN và Trung Quốc. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, các nước châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương đều thể hiện sự quan tâm, muốn đàm phán hợp tác kinh tế với Việt Nam. Việt Nam đã ký kết 8 Hiệp định thương mại tự do, đồng thời đàm phán ký kết 6 Hiệp định nữa. Về cơ bản, các đối tác quan trọng nhất của Việt Nam đều tham gia Hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo thuận lợi thêm cho quá trình đàm phán với Việt Nam.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong đàm phán với các tổ chức thương mại quốc tế, quan điểm chỉ đạo là phải bảo hộ ở mức độ hợp lý đối với nông dân và một số mặt hàng nông sản, vì vậy với sự nỗ lực, cương quyết, Việt Nam đã đạt được một số cam kết. Việc đàm phán 6 Hiệp định trong thời gian tới cũng sẽ phải bảo đảm các nguyên tắc: Tôn trọng, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; các hiệp định phải thực hiện trên cơ sở cân bằng lợi ích nhưng tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển. Đối với một số lĩnh vực còn yếu kém nhưng có tiềm năng, Việt Nam cần có lộ trình phù hợp. Cho đến nay, các đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định với Liên minh châu Âu..., Việt Nam đã và đang vận dụng nguyên tắc này.
Bộ trưởng mong muốn, thông qua việc giám sát, Quốc hội sẽ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện đúng các nguyên tắc trên, để thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại sẽ góp phần mang lại lợi ích quốc gia, đồng thời có được vị thế độc lập tương đối trong quá trình phát triển nền kinh tế.
* Giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia Nhiều ý kiến đề nghị, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và những năm tiếp theo, Chính phủ cần có đánh giá về những tác động của tình hình biển Đông đối với nền kinh tế đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó để tiếp tục thu hút đầu tư, bảo đảm chủ quyền Tổ quốc. Đa số đại biểu đã thể hiện sự đồng tình với phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013 để đầu tư phát triển cho các lực lượng chấp pháp trên biển như: Cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con ngư dân đánh bắt xa bờ. Đại biểu Đỗ Văn Đương (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội cần có nội dung về tăng cường các biện pháp giữ vững chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát, dừng triển khai các dự án chưa thực sự cần thiết, bức xúc để tập trung nguồn lực cho quốc phòng an ninh; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đập tan mọi âm mưu của các phần tử xấu, tấn công triệt phá các loại tội phạm để giữ bình yên cho nhân dân...
Đề xuất các giải pháp nhằm giữ vững chủ quyền biển đảo, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) nêu ý kiến: Trước mắt, Chính phủ cần tăng cường đầu tư, trang bị phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển; tăng cường xây dựng hệ thống phòng thủ biển đảo; đầu tư những đội tàu cá lớn cho ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển...
Phúc Hằng