Phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 22/4, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ và VTV Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Phát triển nhanh và bền vững đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL)

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Bùi Ngọc Sương; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; lãnh đạo các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang đã tham dự tọa đàm.

Buổi tọa đàm tập trung nêu bật những thành tựu mà ĐBSCL đạt được trong 10 năm qua; phân tích những tồn tại và nêu lên vấn đề quan trọng mà các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong khu vực cần sớm chung tay giải quyết để ĐBSCL có thể phát triển xứng với tiềm năng và vị thế, hướng đến là Trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Các vấn đề thời sự của khu vực như: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân; liên kết vùng, phát triển giao thông; giáo dục - đào tạo; việc đầu tư và sử dụng nguồn vốn đầu tư cho khu vực; cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long; vai trò của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; vai trò và trách nhiệm của từng địa phương với sự phát triển vùng trong đó có phát huy vị thế đô thị trung tâm của Cần Thơ... đã được đề cập và được giải đáp tương đối thỏa đáng.

Lãnh đạo các bộ, ngành đã khẳng định những thành tựu qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010”. Trong giai đoạn này, kinh tế các tỉnh, thành trong vùng đã có bước phát triển nhanh, hệ thống chính trị, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong vùng được củng cố và tăng cường, nhất là trên địa bàn chiến lược, biên giới, vùng biển, đảo, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Hạ tầng giao thông có bước phát triển, gắn kết giao thông liên vùng. Toàn vùng đã xây dựng mới trên 10 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài hơn 2.500 km, gần 70 tuyến tỉnh lộ, mở mới 9.117 km, nâng cấp 23.218 km đường các loại, xây dựng 11.453 cầu, kết nối với hệ thống quốc lộ. Hệ thống thủy lợi, cụm, tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập sâu và xây dựng phát triển đô thị cũng được quan tâm đầu tư tốt hơn. Các tỉnh đã huy động trên 4.600 tỷ đồng xây dựng các công trình kiểm soát lũ, hoàn thành 35 công trình thủy lợi vừa và lớn, trong đó có 12 công trình phục vụ trên 2.000 ha đất nông nghiệp, 20 công trình kiểm soát lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực giáo dục, y tế... đã được quan tâm đầu tư góp phần để khu vực ĐBSCL phát triển.

Tuy nhiên, các tỉnh, thành trong vùng vẫn bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém cần sớm khắc phục; tình hình kinh tế của vùng ĐBSCL vẫn còn hạn chế, chưa phát triển bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, yếu tố rủi ro còn cao, chưa tương xứng tiềm năng của vùng, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 21 chưa đạt.

Các tỉnh thành vùng ĐBSCL cũng thống nhất đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 tập trung xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động về kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước. Nơi đây tiếp tục là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng cả nước.

Trần Khánh Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN