Phát triển tổ chức thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước - Kinh nghiệm từ Hà Nội

Phát huy vai trò xung kích đi đầu, năng động sáng tạo của thanh niên Thủ đô, nhằm thu hút ngày càng đông các lực lượng tham gia tổ chức Đoàn, Hội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020”.

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TƯ, Thành Đoàn Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, quán triệt toàn diện tới các cơ sở Đoàn, Hội và tổ chức triển khai đồng bộ, bài bản theo phương châm hướng về cơ sở. Trong 5 năm qua, công tác này đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo chuyển biến rõ nét trong việc phát triển tổ chức thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn Thủ đô. Qua đó góp phần khẳng định Đoàn thanh niên là tổ chức tiên phong của thế hệ trẻ, nơi tập hợp rộng rãi, phát huy sức mạnh của mọi thành phần thanh niên, đóng góp trí tuệ, sức trẻ xây dựng và phát triển đất nước.

Những chuyển biến bước đầu

Địa bàn Hà Nội hiện có 110 cơ sở Đoàn trực thuộc với tổng số 1.635 đoàn cơ sở, 23.761 chi đoàn, gần 708.160 đoàn viên; 47 hội và câu lạc bộ trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố. Tính đến tháng 2/2020, trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tại Hà Nội thành lập được 1.130 tổ chức Đoàn, Hội với gần 25.300 đoàn viên, hội viên; tăng đáng kể so với năm 2013, có 178 tổ chức và gần 7.200 đoàn viên, hội viên.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp hơn 40% vào tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo Nghị quyết 09 thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao các công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp tại khu vực này. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác này trong giai đoạn 2015-2020.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Thành Đoàn Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước (Ban Chỉ đạo Nghị quyết 09 - Thành Đoàn Hà Nội) và thường xuyên kiện toàn. Cùng với việc quán triệt, phổ biến Nghị quyết 09, Ban Chỉ đạo tập trung xây dựng các văn bản, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện, từ đó các cơ sở Đoàn cụ thể hóa vào chương trình công tác hàng năm, thúc đẩy hoạt động của các tổ chức thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Công tác tuyên truyền và phổ biến về Nghị quyết 09 được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác này, phân công cán bộ theo sát nắm tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Việc sơ kết, tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết 09 được tiến hành; kịp thời tuyên dương, khen thưởng các đơn vị xuất sắc trong phong trào để các nơi khác học tập, rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương thức tập hợp thanh niên cho phù hợp với thực tiễn và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả.

Đi đôi với việc đẩy mạnh thành lập các tổ chức thanh niên, nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khu vực ngoài Nhà nước được triển khai như: Các hoạt động từ thiện, khám chữa bệnh miễn phí, các chương trình về sức khỏe, giới tính, nghề nghiệp, việc làm; tổ chức Ngày đoàn viên, tặng vé xe về quê đón Tết; các chương trình Xuân tình nguyện – Tết ấm yêu thương, Lễ cưới văn minh, Ngày hội Văn hóa cho thanh niên công nhân, tiếp sức người lao động trẻ… Giai đoạn 2015-2020, Thành Đoàn Hà Nội đã hỗ trợ giải ngân gần 2 tỷ đồng cho các tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn.

Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Trong 5 năm qua, Thành Đoàn đã mở 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 1.500 cán bộ Đoàn, Hội đang công tác trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Với nhiều biện pháp đồng bộ, trong 5 năm trở lại đây, công tác đoàn kết, tập hợp hội viên và xây dựng tổ chức thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tại Hà Nội đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhận thức của các cấp bộ Đoàn, Hội về công tác này được nâng cao. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp và tích cực vào cuộc. Phương thức tập hợp thanh niên đa dạng hơn. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho thanh niên được tổ chức phong phú, thiết thực, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người lao động trẻ. Nội dung hoạt động tại cơ sở sát hơn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các chủ doanh nghiệp dần quan tâm hơn đến việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội ở cơ sở mình. Bên cạnh việc vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp nhất trí thành lập tổ chức thanh niên tại doanh nghiệp, một số đơn vị còn có hình thức tập hợp thanh niên công nhân ngay tại địa bàn, các khu lưu trú, nhà trọ. Qua đó, nhận thức của chủ doanh nghiệp và thanh niên công nhân đối với vai trò của Đoàn, Hội từng bước được nâng cao.

Kinh nghiệm và giải pháp hữu hiệu

Theo Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến, từ những kết quả bước đầu trong việc xây dựng và phát triển tổ chức thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn Thủ đô có thể rút ra một số kinh nghiệm như: Các cấp bộ Đoàn cần tranh thủ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể và quan tâm vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác này. Các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động gặp gỡ các chủ doanh nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia xây dựng tổ chức thanh niên. Tổ chức Đoàn cần đa dạng hóa các nội dung sinh hoạt và duy trì tổ chức tập huấn, hướng dẫn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên trong các doanh nghiệp; xây dựng chương trình công tác phù hợp với đặc điểm của từng doanh nghiệp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, vừa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của thanh niên, yêu cầu của tổ chức Đoàn, Hội. Bên cạnh đó, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên Ban Chỉ đạo Nghị quyết 09; các thành viên Ban Chỉ đạo có báo cáo định kỳ về việc thực hiện công tác được phân công. Các cấp, ngành cần động viên, khen thưởng kịp thời đối với các doanh nghiệp làm tốt công tác này, từ đó nhân rộng các cách làm hay, sáng tạo.

Để phát huy hiệu quả công tác phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, trong thời gian tới, Thành Đoàn Hà Nội tiếp tục khảo sát, sắp xếp, xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức Đoàn, Hội và tổ chức hoạt động chăm lo hỗ trợ thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Các cấp bộ Đoàn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên trong các doanh nghiệp; bố trí cán bộ, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho việc xây dựng và phát triển tổ chức thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tổ chức Đoàn, Hội với Hội doanh nghiệp trẻ tăng cường phối hợp động viên, tuyên truyền tới hội viên về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của việc hình thành các tổ chức thanh niên trong doanh nghiệp…

Từ thực tế hoạt động tại cơ sở, đại diện Quận Đoàn Cầu Giấy (Hà Nội) kiến nghị Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố định hướng mô hình và tổ chức các phong trào, hoạt động phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên công nhân, các mẫu hình tư nhân có tác động của tổ chức Đoàn, Hội đối với doanh nghiệp để từ đó nhân rộng. Hội Doanh nhân trẻ thành phố Hà Nội tiếp tục tuyên truyền, vận động lãnh đạo các doanh nghiệp có hội viên thành lập tổ chức thanh niên trong doanh nghiệp mình.

Với trên 80% trong tổng số hơn 20.00 nhân viên của doanh nghiệp là thanh niên, đại diện Đoàn Thanh niên Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà đề xuất Thành Đoàn Hà Nội có cơ chế hỗ trợ nhân sự chuyên trách Đoàn cơ sở để kết nối chặt chẽ hơn trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đoàn. Cán bộ chuyên trách sát sao với thực tế tại doanh nghiệp, cùng đoàn viên, thanh niên cơ sở tháo gỡ những khó khăn, đồng thời đưa ra các nội dung sinh hoạt thiết thực và hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng được tăng cường, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của công tác thanh niên tại doanh nghiệp.

Đồng tình với những giải pháp trên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho rằng: Thành Đoàn Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tiếp sức, hỗ trợ nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết, thu hút các đoàn viên, hội viên; nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường làm việc hiện đại để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp…

Linh Anh (TTXVN)
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Điểm sáng ở huyện vùng cao Si Ma Cai
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Điểm sáng ở huyện vùng cao Si Ma Cai

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển Đảng được chú trọng đã góp phần nâng cao chất lượng đảng viên ở các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN