Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đã đến dự, chúc mừng và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Tân An Trần Kim Lân nhấn mạnh: Trong 10 năm qua thành phố huy động nguồn vốn từ ngân sách, từ nhân dân và các nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 6.600 tỉ đồng, vượt gần 20% chỉ tiêu kế hoạch. Nguồn vốn này được phân bổ để xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông, thoát nước, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Đến nay, thành phố Tân An có 186km đường giao thông được thảm nhựa và bê tông hóa (tăng hơn 53km so với năm 2009); 199km đường cống thoát nước (tăng hơn 35km so với năm 2009); 100% hẻm nội thành được bê tông hóa, đường liên ấp, liên xã được mở rộng, thảm nhựa. 100% tuyến đường có hệ thống chiếu sáng công cộng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, góp phần cải tạo cảnh quan đô thị.
Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng giảm khu vực I và khu vực II, tăng khu vực III. Theo đó, khu vực I (nông, lâm, ngư nghiệp) giảm từ 3,08% năm 2009 còn 2,54% năm 2018; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) từ 52,16% năm 2009 giảm còn 44,33% năm 2018; khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng mạnh từ 44,76% năm 2009 lên 50,13% trong năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là 30,8 triệu đồng, đến năm 2018 tăng lên 64,7 triệu đồng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà thành phố Tân An nói riêng và tỉnh Long An nói chung đạt được trong thời gian qua, chúc mừng Tân An đã chính thức trở thành đô thị loại II và đón nhận Huân chương lao động Hạng nhì do Nhà nước trao tặng.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Long An và thành phố Tân An trong thời gian tới cần khẩn trương rà soát, kịp thời cập nhật, bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch các ngành kinh tế quan trọng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để Long An từng bước trở thành tỉnh công nghiệp phát triển. Long An cần quy hoạch thành phố Tân An kết nối thành phố Hồ Chí Minh theo tuyến Quốc lộ 1A; đồng thời, tỉnh cần quy hoạch phát triển tuyến đô thị động lực. Long An cần chú trọng quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải các thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hướng đến đô thị thông minh; chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất- kinh doanh.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An cần huy động mọi nguồn lực, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho thành phố Tân An phát triển mạnh hơn, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng động bô, đẩy mạnh phát tiển kinh tế nhanh, bền vững, từng bước phát triển “đô thị xanh-thông minh” theo Chương trình phát triển đô thị thành phố Tân An, tạo điểm nhấn của một đô thị trẻ, năng động, khẳng định được vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An.
Ngoài ra, tỉnh Long An và thành phố Tân An cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị , cơ sở vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Long An.