Cùng tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Bộ: Tư pháp, Công Thương,
Giao thông Vận Tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn
phòng Chính phủ. Về phía thành phố Hải Phòng có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND
và một số sở, ngành.
Phó Thủ tướng tại Dự án Cảng Lạch Huyện. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN |
Xây dựng thành phố đổi mới, sáng tạo Theo báo cáo của thành phố Hải Phòng, trong năm 2017, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 14,01%, đạt mức cao nhất từ năm 1994, gấp hơn hai lần bình quân chung cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 21,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 22,2%, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 92 triệu tấn, tăng 15%. Thu ngân sách đạt trên 71 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt gần 22 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5%.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Hải Phòng được các doanh nghiệp đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất. Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị được tăng cường đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2017, Hải Phòng đã khánh thành cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, một số cầu vượt, các tuyến đường thiết yếu trong nội đô...
Trong hai tháng đầu năm 2018, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2017 như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 20,61%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,14 tỷ USD, tăng 24,14%; sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 16 triệu tấn, tăng 18,34%; tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 9,1 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước thực hiện hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,29%.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, trong thời gian qua với nỗ lực của chính quyền và nhân dân, thành phố đã đạt nhiều thành công trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Theo Phó Thủ tướng, Hải Phòng còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển hơn nữa. Thành phố đang có rất nhiều dự án công nghiệp, dịch vụ lớn, bền vững, hứa hẹn mang lại tăng trưởng cao. Phó Thủ tướng đề nghị thành phố phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình, “bứt phá đi trước” trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho vùng kinh tế phía Bắc. Thành phố tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế gắn với rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch; đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất gắn với thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Trong đó, thành phố tập trung hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn như sản xuất ô tô; tận dụng lợi thế về du lịch biển để tạo điểm nhấn thu hút du khách cả trong nước và quốc tế; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, hiện đại hóa, kết nối cơ sở hạ tầng đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, phát triển các dịch vụ cảng biển...
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hải Phòng có các giải pháp quyết liệt để triển khai hiệu quả các chiến lược, kế hoạch phát triển đã đề ra. Trong đó rà soát các chỉ tiêu cụ thể của từng sản phẩm, từ đó kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn một cách hiệu quả. Thành phố cần kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, xây dựng Hải Phòng thành một đô thị hiện đại, hấp dẫn với những nét riêng. Quy hoạch công nghiệp, các khu công nghiệp phải gắn với nhà ở xã hội cho người lao động, người dân trong khu vực dự án. Bên cạnh phát triển nhà ở thương mại, nhà quản lý và doanh nghiệp cần chú trọng phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân có chỗ ở bền vững.
Về những kiến nghị của thành phố và các doanh nghiệp đang đầu tư tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cho ý kiến bước đầu, đồng thời giao các bộ, ngành tiếp tục giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật...
Phát triển ô tô thương hiệu Việt chất lượng, đủ sức cạnh tranh Thăm và làm việc tại Dự án nhà máy sản xuất ô tô VinFast, Phó Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của Tập đoàn Vingroup trong việc ưu tiên nguồn lực, có các bước đi bài bản trong việc đầu tư phát triển sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, ngành ô tô Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội như thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân, thu nhập người dân ngày càng tăng cao... Hiện Việt Nam có khoảng 170 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, tuy nhiên ngoài những thương hiệu của thế giới, phần lớn doanh nghiệp trong nước còn nhỏ lẻ, chủ yếu là lắp ráp, hàm lượng nội địa hóa thấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường. Sau một thời gian dài, tỉ lệ nội địa hóa xe dưới 9 chỗ ngồi trung bình chỉ đạt khoảng 10%, quá thấp so với yêu cầu đề ra. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, nếu các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước không có các giải pháp mạnh mẽ, ngành công nghiệp ô tô sẽ đứng trước nguy cơ không thể phát triển. Thuế nhập khẩu ô tô vào Việt Nam sẽ giảm theo lộ trình cắt giảm thuế của các hiệp định thương mại quốc tế, đây là thử thách lớn với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt cùng với các bộ, ngành tìm hiểu khó khăn của từng doanh nghiệp trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, từ đó có các giải pháp tháo gỡ một cách hiệu quả. Phó Thủ tướng khẳng định, quyết tâm của Chính phủ là phát triển ngành công nghiệp ô tô, từ đó tạo tiền đề phát triển nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác. Phát triển công nghiệp ô tô sẽ tạo ra việc làm, tăng thu ngân sách, góp phần lớn cho tăng trưởng. Cùng với đó, công nghiệp ô tô trong nước phát triển sẽ giúp giảm nhập siêu, đồng thời tạo cơ hội xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ.
Nhấn mạnh Chính phủ mong muốn sớm có thương hiệu ô tô trong nước có thể cạnh tranh với ô tô nhập khẩu cả về chất lượng, kiểu dáng, tính năng và giá thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong việc đầu tư sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt và đề nghị doanh nghiệp quan tâm hơn nữa trong việc phát triển doanh nghiệp hỗ trợ, tăng tối đa tỉ lệ nội địa hóa; hoàn thành các thủ tục đối với dự án theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, phát triển sản phẩm.
Phó Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp cần rút ngắn thời gian làm chủ công nghệ, ưu tiên nguồn lực cho khâu nghiên cứu, phát triển, tạo ra các sản phẩm đẹp, chất lượng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, doanh nghiệp sớm triển khai các chiến lược phù hợp để hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra một số thị trường khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách phát triển công nghiệp ô tô, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước đủ tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thành phố Hải Phòng tiếp tục các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất; tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp và tái định cư cho người dân.
Đến kiểm tra tiến độ xây dựng Cảng Lạch Huyện (tại đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao năng lực, tính chuyên nghiệp của nhà thầu trong quá trình triển khai xây dựng dự án; nhấn mạnh dự án nhằm phát triển dịch vụ cảng biển hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong nước, quốc tế, tạo điều kiện tăng trưởng cho thành phố Hải Phòng. Phó Thủ tướng đề nghị nhà thầu, các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện các gói thầu xây lắp để đưa dự án vào khai thác theo đúng kế hoạch.
Theo báo cáo của nhà thầu, Dự án Cảng Lạch Huyện với tổng mức đầu tư trên 6.200 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 12/5/2016; theo kế hoạch, các gói thầu xây lắp của dự án đang khẩn trương hoàn thiện, muộn nhất cuối tháng 4/2018 hoàn thành; đưa vào khai thác ngày 12/5/2018.