Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận

Chiều 21/9, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Thuận về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Báo cáo với Phó Thủ tướng cùng Đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh ổn định, công tác đối ngoại được tăng cường.

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng bình quân trong giai đoạn 3 năm (2016 - 2018) là 7,53%/năm, dự ước năm 2019 tăng 8%. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá.

Nổi bật là lĩnh vực công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng khá cao, liên tục và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 35 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất hơn 6.000 MW, trong đó có 4 nhà máy nhiệt điện than, 3 nhà máy điện gió và 21 nhà máy điện mặt trời…

Sản lượng điện thiết kế của 35 nhà máy khoảng 30 tỷ kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, tạo tiền đề xây dựng tỉnh Bình Thuận thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.
 
Trong 3 năm qua (2016- 2018), giá trị tăng thêm từ sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân 3,43%/năm. Tỉnh đã tập trung tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị để phát huy các sản phẩm lợi thế của tỉnh, nhất là trái thanh long.

Phát huy lợi thế phát triển kinh tế biển, Bình Thuận tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm; phát triển khai thác xa bờ có tổ chức gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đến năm 2018, toàn tỉnh có hơn 3.000 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên và thành lập được 241 tổ đoàn kết khai thác hải sản và 5 nghiệp đoàn nghề cá. Sản lượng hải sản khai thác ước đạt 215.000 tấn.
 
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 3 năm đạt hơn 29.000 tỷ đồng, tăng bình quân 11,6%/năm; trong đó, thu nội địa đạt 19.000 tỷ đồng, tăng bình quân 19%/năm. Trong những năm qua, Bình Thuận tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sản xuất kinh doanh.

Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, đa dạng, ngành nghề sản xuất kinh doanh, thu hút được nhiều lao động, tiếp tục đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh (tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP của tỉnh chiếm 67%). Tính đến nay, Bình Thuận có gần 6.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
 
Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ xem xét việc điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 3/9/2013 và Quy hoạch dự trữ quặng titan.

Hiện nay, Bình Thuận có 51 dự án đầu tư tập trung lĩnh vực du lịch và năng lượng tái tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư 110.000 tỷ đồng được UBND tỉnh thống nhất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư nằm trong vùng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan và quy hoạch dự trữ quặng titan.

Các dự án này phù hợp với định hướng phát triển và mục tiêu xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia và trung tâm năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo phù hợp Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt nhưng chưa thể triển khai đầu tư xây dựng.

Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét, điều chỉnh tiến độ đầu tư một số công trình truyền tải 500KV, 220KV trước năm 2020 và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bố trí vốn để đẩy nhanh thi công, hoàn thành một số dự án truyền tải trước năm 2020, giao các đơn vị có liên quan, các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, xem xét đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các hệ thống đường dây truyền tải và các trạm biến áp tạo điều kiện tiêu thụ hết công suất các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Thuận…
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Bình Thuận trong việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư cho phát triển, khai thác các tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, xây dựng Bình Thuận có trình độ phát triển cao trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
 
Bên cạnh việc đẩy mạnh quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng đề nghị Bình Thuận cần tập trung các giải pháp trọng tâm để thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng nâng cao chất lượng giá trị gia tăng; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cơ cấu nội ngành theo chiều sâu, nhất là công nghiệp xây dựng, chế biến chế tạo; tiếp tục thực hiện Đề án Trung tâm năng lượng quốc gia, mở rộng sản xuất năng lượng sạch, nhất là năng lượng tái tạo ngoài khơi, năng lượng mặt trời...
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh tiếp tục khai thác thế mạnh, xây dựng gắn kết quy hoạch phát triển du lịch với phát triển đô thị biển; kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hạ tầng du lịch tạo bước đột phá, nhất là các dự án ven biển mà hạt nhân là tổ hợp du lịch thương mại bất động sản để tạo hành lang phát triển xứng tầm, phấn đấu đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam Á…

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh; tăng cường bảo vệ tài nguyên môi trường; đặc biệt tăng cường giám sát, kiểm tra môi trường tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, không để xảy ra các sự cố ô nhiễm môi trường.
 
Trước những kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu, xem xét và hỗ trợ để Bình Thuận tháo gỡ vướng mắc, tạo bước phát triển mới.

Hồng Hiếu (TTXVN)
Liên kết phát triển kinh tế biển bền vững
Liên kết phát triển kinh tế biển bền vững

Để khai thác hiệu quả các cơ hội mà biển đem lại từ đó có hướng phát triển kinh tế biển một cách bền vững, các địa phương ven biển duyên hải miền Trung và phía Nam phải gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; thúc đẩy liên kết vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN