Dịch COVID-19 là kinh nghiệm để hoàn thiện dự án luật
Các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo luật và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ các quy định về tổ chức phòng thủ dân sự, đảm bảo hoạt động không chồng chéo, có hiệu quả, phù hợp với các quy định của pháp luật; nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các chính sách đầu tư nguồn lực để xây dựng các lực lượng chuyên trách trang bị phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu phòng, chống, khắc phục hậu quả của chiến tranh, thảm họa, sự cố...
Lấy thực tiễn từ phòng, chống dịch vừa qua, đại biểu Hà Phước Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: "Thực tế, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, vấn đề thông tin đáng được quan tâm. Bên cạnh việc xảy ra nhiễu loạn thông tin, trong đó có thông tin xấu, thông tin độc do một số đối tượng xấu tung ra, chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, đã có nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh, các quy định, các chính sách trong phòng, chống dịch chưa được đưa tới người dân một cách hiệu quả. Đặc biệt là có sự khác biệt giữa các địa phương dẫn đến việc nhiều người dân lúng túng trong việc chấp hành các quy định, nhiều người không được đảm bảo về mặt chính sách và có những phản ứng tiêu cực trong thời gian dịch.
"Đây là một bài học khi xây dựng dự thảo Luật này" - đại biểu Thắng nhấn mạnh.
Về quyền tiếp cận thông tin của cá nhân được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 của dự thảo Luật, đại biểu Hà Phước Thắng nêu rõ dự thảo quy định theo hướng cá nhân tiếp cận thông tin về sự cố thảm họa do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Theo đại biểu Hà Phước Thắng, để có một cơ chế tiếp cận thông tin hiệu quả và ưu việt so với các nguồn khác để người dân được thụ hưởng quyền này một cách tốt nhất, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về chế độ thông tin trong hoạt động phòng thủ dân sự.
Lấy thực tiễn từ dịch COVID-19, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho ý kiến về thẩm quyền điều động, huy động phương tiện quy định tại khoản 3, Điều 21 của dự thảo Luật; trong đó quy định: phương tiện được huy động để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc nhiệm vụ; trường hợp thiệt hại thì được bồi thường theo quy định pháp luật.
Đại biểu Dương Khắc Mai phân tích: "qua thực tế dịch COVID-19, có nhiều trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh của các cơ sở y tế huy động, các doanh nghiệp trên địa bàn để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhiều cơ sở doanh nghiệp không có nhu cầu nhận lại thiết bị, sinh phẩm, thuốc chữa bệnh... vì thời điểm hoàn trả các trang thiết bị này còn ít giá trị sử dụng như kít xét nghiệm. Nên cần nghiên cứu, chỉnh lý khoản 3 điều 21 theo hướng mở hơn đối với những trường hợp như trên để các đối tượng có thể được hoàn trả trang thiết bị hoặc được thanh toán bằng tiền phù hợp quy định".
Làm rõ sự cần thiết của Quỹ phòng thủ dân sự
Về Quỹ phòng thủ dân sự quy định tại Điều 41 của dự thảo Luật, nhiều đại biểu nhất trí với phương án quy định, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và được hình thành trên cơ sở điều tiết các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Đồng thời đề nghị cần rà soát các loại quỹ tương tự như Quỹ Phòng chống thiên tai, quỹ phòng, chống dịch bệnh để tránh chồng chéo trùng lắp; bổ sung quy định về công khai, minh bạch trong việc triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng có nhóm ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định này vì lý do: Hằng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí bố gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi như dự thảo Luật, trong khi Quỹ phòng thủ dân sự chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập.
Nhiệm vụ chi của Quỹ trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của Ngân sách Nhà nước. Hiệu quả của Quỹ này sẽ không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn, số dư nếu để ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư Quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng. Việc khắc phục thiên tai vẫn phải là Ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc hình thành Quỹ phòng thủ dân sự sẽ dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của Quỹ Phòng, chống thiên tai và Quỹ phòng, chống dịch, trong khi tính chất của Quỹ phòng, chống thiên tai và Quỹ phòng, chống dịch là khác nhau. Do đó, việc thành lập Quỹ là không cần thiết và chưa phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước. Mặt khác, việc quy định nguồn tài chính được điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách khác cũng không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước và quy chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị không thành lập Quỹ phòng thủ. Đại biểu đề nghị chọn phương án: trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước cho hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa. Tuy nhiên, điểm then chốt là sự minh bạch, công khai và sử dụng hiệu quả của Quỹ.
Tại hội nghị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Về Quỹ phòng thủ dân sự, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương làm rõ hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và xử lý các vấn đề quan trọng tầm quốc gia để bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức. Như vậy, Quỹ này được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời, bảo đảm cho trường hợp cần thiết và khẩn trương sẽ có nguồn lực để thực hiện được ngay.
Mặt khác, việc quy định Quỹ Phòng thủ dân sự cũng không trái với các quy định về ngân sách nhà nước. Quỹ Phòng thủ dân sự do Chính phủ thành lập, có nguồn thu từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện đóng góp. Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ mới điều tiết từ các quỹ khác có liên quan đến phòng thủ dân sự. Quỹ Phòng thủ dân sự độc lập với ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương và nhân dân bị thiệt hại, giao cho Bộ Tài chính quản lý, hướng dẫn sử dụng quỹ này sẽ bảo đảm chặt chẽ.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, sẽ tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để khi Luật được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Về phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã phân định rõ về phạm vi điều chỉnh, bảo đảm không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành.
Theo đó, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ quy định về nguyên tắc hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với các sự cố thảm họa khi việc ứng phó, khắc phục vượt quá khả năng của lực lượng chuyên trách thuộc các bộ, ngành của địa phương.
Dự thảo Luật chỉ quy định những nội dung chung liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự và một số vấn đề mới mà các luật khác chưa quy định như: Đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố thảm họa để xây dựng các chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự, căn cứ để xác định cấp độ phòng thủ dân sự, các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng với mỗi cấp độ phòng thủ dân sự mà chính quyền địa phương được phép áp dụng; hoạt động phòng thủ dân sự trên các vùng biển Việt Nam mà không thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong tình trạng chiến tranh...